Làm sao tăng tính hiệu quả của quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học?
Trên thực tế, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ lâu dưới nhiều hình thức nhưng kết quả mang lại chưa cao.
Nói về việc làm sao tăng tính hiệu quả của quy tắc ứng xử văn hóa học đường, cô Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết việc xây dựng và triển khai đề án về văn hóa ứng xử học đường là hết sức cần thiết.
Đầu tiên, quy tắc ứng xử trong trường học nhất thiết phải đề cao giá trị tôn trọng. Giáo viên tôn trọng học sinh, cho học sinh quyền được lên tiếng, bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngược lại, học trò cũng phải tạo điều kiện để người thầy làm việc, phát huy sáng tạo. Chỉ khi chúng ta cùng tôn trọng nhau thì mới có thể ngăn chặn được bạo lực học đường.
Ảnh minh họa |
Để đề án về ứng xử văn hóa học đường thực sự đi vào cuộc sống, cần xác định người thầy đóng vai trò dẫn lối. Thầy không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức mà còn xây dựng nét đẹp văn hóa người thầy để làm gương cho học sinh.
Những điển hình hay, những gia đình, những trường học giáo dục được lòng tự trọng hiệu quả cho học sinh trong thời gian qua cần được nhân rộng được một cách có thực chất, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo trong các trường sư phạm theo hướng tăng cường giáo dục kỹ năng sống, ứng xử văn hóa, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, phương pháp sư phạm cho sinh viên.
Ngoài ra, cần tổ chức bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo về năng lực giáo dục văn hóa ứng xử; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về nội dung ứng xử văn hóa trong trường học; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong các nhà trường.
Hoàng Thanh