Làm giả giấy tờ nhằm hợp thức hoá hành vi buôn bán trẻ em, tội ác không dung thứ
Công an tỉnh Bình Dương vừa triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh hoạt động liên tỉnh tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang... 31 trẻ sơ sinh đã bị mua bán. Cơ quan điều tra đã khởi tố 8 bị can, nhiều đối tượng khác đang bị điều tra. Trong số 8 bị can, có cả các sản phụ đem bán cả con ruột của mình...
Đây là thông tin được Công an tỉnh Bình Dương cung cấp vào ngày 2/11.
Được biết, cơ quan công an còn thu giữ tang vật gồm giấy phân tích, giấy xác nhận ADN, giấy chứng sinh được làm giả… nhằm hợp thức hoá hành vi buôn bán người của nhóm đối tượng. Hành vi này gây phẫn nộ trong dư luận trước tội ác không thể dung thứ.
Trao đổi với phóng viên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, các đối tượng trong đường dây này ngoài bị khởi tố tội ''Mua bán người dưới 16 tuổi'' thì sẽ bị xử lý thêm một số tội danh nữa là tội ''Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức'' và tội ''Sử dụng tài liệu con dấu giả'' theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, với tội ''Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức'', tội ''Sử dụng tài liệu con dấu giả'' thì cả người làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức và người sử dụng giấy tờ giả đều bị xử lý hình sự theo Điều 341 BLHS. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này lên đến 07 năm tù nếu giấy tờ tài liệu giả từ 06 giấy tờ trở lên, thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên hoặc trường hợp được xác định là để thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Đặng Văn Cường ái ngại cho biết thêm, thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện ra các đường dây mua bán trẻ em với quy mô lớn, xuyên quốc gia gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều đối tượng đã bị phát hiện, bắt giữ, xử lý bằng các chế tài nghiêm minh của pháp luật, tuy nhiên tình trạng mua bán trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gây nhức nhối trong xã hội.
Theo luật sư, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi mua bán trẻ em diễn ra, trong đó có thể kể đến như nhu cầu nhận con nuôi của nhiều người, trong đó có cả những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài, nhiều đối tượng muốn sử dụng người dưới 16 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm, các loại hình kinh doanh nhạy cảm, thậm chí mua bán dâm... Trong khi đó, nhiều trẻ em sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số bị cám dỗ, mua chuộc, dụ dỗ để đi làm từ sớm.
Đáng buồn là cha mẹ các em không có đủ kỹ năng kiến thức và khả năng để bảo vệ con; nhiều trẻ em sinh ra từ những cuộc tình không có hạnh phúc hoặc do nhiều bạn trẻ chưa kết hôn, có thai ngoài ý muốn nên không muốn nuôi con...
Ngoài ra, xã hội ngày nay nhiều bạn trẻ thiếu kỹ năng sống, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, buông thả, thực dụng nên rất dễ mang thai ngoài ý muốn, đến khi sinh ra con mà không đủ điều kiện và kỹ năng để chăm sóc nên muốn cho, bán cho người khác để làm con nuôi, dẫn đến tình hình mua bán trẻ em trở nên phức tạp.
Nhiều đối tượng nhìn thấy cơ hội chuyển giao trẻ em từ ngày này sang người khác để được hưởng lợi nên đã bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi mua bán trẻ em nhằm thu lợi bất chính mà không quan tâm đến cuộc sống, tương lai của các em như thế nào. Điều này cũng dẫn đến tình hình tội phạm về mua bán trẻ em còn diễn biến phức tạp.
“Để giảm thiểu những vụ mua bán trẻ em thì cần phải tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân. Đồng thời, cần phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng mang thai và sinh con ngoài ý muốn, quan tâm hơn nữa đối với những trường hợp trẻ em sinh ra có hoàn cảnh khó khăn, éo le, cha mẹ không đủ điều kiện nuôi dưỡng.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ việc cho và nhận con nuôi, đặc biệt là các thủ tục nhận con nuôi có yêu tố nước ngoài để tránh trường hợp các đối tượng hợp thức hóa bằng thủ tục nhận con nuôi để mua bán trẻ em”, TS. LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
N. Huyền