Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022)
Cách đây 70 năm, Trung ương Đảng đã quyết định tiến hành Chiến dịch Tây Bắc. Với chủ trương “tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh”, Chiến dịch Tây Bắc giành thắng lợi sau 2 tháng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho Việt Minh. Đây là một bước phát triển lên tầm cao mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Nhìn lại cục diện chiến trường khi ấy dễ thấy, Tây Bắc có vị trí chiến lược với vùng Bắc Đông Dương. Ở đây, quân Pháp có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, khống chế bên sườn, sau lưng và chia cắt Việt Bắc với Liên khu 3... Tuy nhiên, lực lượng địch ở đây chỉ có 8 tiểu đoàn. Ngoài ra, còn có 40 đại đội ngụy làm nhiệm vụ chiếm đóng. Địch chia làm 4 phân khu đóng, rải ra trên 144 cứ điểm cấp trung đội, đại đội.
Căn cứ vào thế và lực giữa địch, ta trên chiến trường, đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc - giải phóng một phần đất đai”. Theo dữ liệu lịch sử, lực lượng Việt Minh tham gia chiến dịch khi ấy gồm: Các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, hai Đại đoàn 320, 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3.
Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt. Đợt 1: Từ ngày 14 đến 23/10/1952, quân ta tiến công phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, đập tan toàn bộ phòng tuyến vành ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai. Đợt 2: Từ ngày 7 đến 22/11/1952, ta vượt sông Đà, tiến công hệ thống phòng ngự của địch trên cao nguyên Mộc Châu, buộc địch ở thị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản. Đợt 3: Từ ngày 30/11 đến 10/12/1952, ta tiến công Nà Sản và sau đó căn cứ tình hình thực tế đã kết thúc chiến dịch.
Kết thúc chiến dịch (sau 2 tháng tiến công), quân ta đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch. Nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động của địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái rộng 28.500km2 với 25 vạn dân được giải phóng.
Chiến thắng Tây Bắc 1952 là một trong những chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần tạo thế và lực mới, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu vào tháng 5/1954.
Nam Phương