Không quân Nga phá hủy hệ thống phòng không S-300 ở Ukraine
Đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết hôm 17/3, quân đội nước này đã phá hủy hệ thống phòng không S-300 ở Ukraine.
Theo ông Konashenkov, chỉ trong một ngày, máy bay chiến đấu của Nga đã bắn trúng 46 cơ sở quân sự của Ukraine.
Trong số đó có 11 hệ thống tên lửa phòng không, bao gồm hệ thống phòng không S-300, hệ thống tên lửa phóng loạt, đài chỉ huy và trạm tác chiến điện tử.
Ngoài ra, các máy bay chiến đấu của Nga đã tấn công 18 địa điểm tập kết trang thiết bị quân sự và 7 kho đạn dược của Ukraine.
Trước đó, video về cuộc tấn công của hệ thống tên lửa chính xác cao của Lực lượng vũ trang Nga vào các kho tên lửa và pháo của Lực lượng vũ trang Ukraine đã được công bố. Kết quả của vụ tấn công gây nổ kho đạn được cất giữ trong các nhà chứa máy bay trên mặt đất và dưới lòng đất, nhà kho đã bị phá hủy hoàn toàn.
Video Lực lượng vũ trang Nga tấn công vào các kho tên lửa và pháo của Ukraine.
Khoảnh khắc Nga phá hủy khẩu đội pháo của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn video ghi lại cảnh phá hủy một khẩu đội pháo của Lực lượng vũ trang Ukraine.
Theo đó, video cho thấy một khẩu đội pháo 152 mm của Lực lượng vũ trang Ukraine bị tấn công bằng vũ khí chính xác cao và tất cả các thiết bị của đối phương đều bị phá hủy.
Cường kích Su-25 phá hủy các nhà kho của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, máy bay cường kích Su-25 của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga đã phá hủy kho vũ khí và đạn dược của Ukraine vào đêm ngày 17/3.
“Các chuyến bay phục vụ chiến đấu được thực hiện vào ban đêm. Nhiệm vụ ném bom được thực hiện ở độ cao trung bình và thấp”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo.
Cường kích Su-25 được hãng Sukhoi thiết kế, chế tạo và đưa vào biên chế không quân Liên Xô năm 1981, chuyên thực hiện các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Cho tới nay, các phiên bản nâng cấp của Su-25 vẫn là cường kích đóng vai trò quan trọng của không quân Nga với gần 200 chiếc trong biên chế.
Trong bài phát biểu trực tuyến trước quốc hội Mỹ ngày 16/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, vận mệnh của Ukraine đang được quyết định. Ông Zelensky kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục cung cấp khí tài quân sự giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Moscow. Theo ông Zelensky, nếu phương Tây không thể lập vùng cấm bay hay cung cấp máy bay chiến đấu, thì có thể cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục bác bỏ ý tưởng thiết lập vùng cấm bay và cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng tăng cường hỗ trợ các loại khí tài khác cho Kiev. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/3 đã thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỉ USD dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa hơn cho nước này, và coi đây là sự hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ” đối với Ukraine trong cuộc xung đột giữa nước này với Nga.
Thanh Bình (lược dịch)
Quốc gia nào xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới?
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ năm 2017-2021 vẫn là Nga và Mỹ, mặc dù các lô hàng vũ khí đã giảm so với các năm trước.