Quốc gia châu Âu đồng ý chuyển giao S-300 cho Ukraine
CNN trích dẫn các nguồn tin cho hay, Slovakia đã đồng ý gửi cho Ukraine các hệ thống phòng không của Liên Xô, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Đổi lại, Bratislava muốn có được các hệ thống phòng không khác, có lẽ là hệ thống phòng không Patriot của Mỹ mà Đức và Hà Lan đã sẵn sàng cung cấp cho Slovakia. Tuy nhiên, việc đưa chúng vào trang bị cho quân đội Slovakia và việc đào tạo về loại vũ khí mới có thể mất một thời gian.
Được biết, Slovakia là một trong ba quốc gia đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có hệ thống phòng không S-300 của Liên Xô.
Đồng thời, theo Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Slovakia, Martina Koval-Kakashchikova, nước này sẽ không chuyển máy bay chiến đấu cho Ukraine. Ngoài ra, các hệ thống phòng không do Nga hoặc Liên Xô sản xuất sẽ được Mỹ chuyển giao cho Kiev.
Hệ thống phòng không S-300. (Ảnh: Izvestia) |
Trước đó, CNN đưa tin Mỹ và NATO đã gửi thêm một lô hệ thống phòng không di động do Liên Xô thiết kế tới Ukraine. Theo đó, các nước phương Tây đã tập hợp một loạt hệ thống tên lửa phòng không Osa, nhiều cải tiến khác nhau của S-300 và Strela (SA-8, SA-10, SA-12 và SA-14 theo phân loại của NATO), chúng đã sẵn sàng và đang trên đường đến Ukraine, nhưng vẫn chưa rõ khi nào sẽ đến nơi.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine. Theo ông Putin, phương Tây đang đẩy Kiev đến đổ máu bằng cách cung cấp vũ khí và lính đánh thuê.
Ngoài ra, CNN dẫn một nguồn tin trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Mỹ sẽ gửi các hệ thống phòng không của Liên Xô tới Ukraine.
Hơn nữa, có thông tin cho rằng chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng cung cấp cho Ukraine các tên lửa dẫn đường chính xác cao Switchblades như một phần hỗ trợ quân sự.
S-300 lần đầu xuất hiện trong kho vũ khí Liên Xô từ cuối những năm 1970, đầu 1980. Nga đã xuất khẩu lá chắn này cho nhiều quốc gia ở Đông Âu, Trung Đông, châu Á và một số nước như Hy Lạp, Venezuela. Ukraine kế thừa 250 bệ phóng S-300 từ sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng tới những năm 2010, chỉ có 6 tổ hợp được đại tu.
Mục đích chính của S-300 nhằm bảo vệ và kiểm soát không phận trước mối đe dọa từ máy bay ném bom, tiêm kích và các mục tiêu đường không khác.
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tấn công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa, độ cao lớn.
Hoạt động của S-300 được tự động hóa hoàn toàn, và hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu trên không cùng một lúc.
Các hệ thống S-300 sử dụng một loạt các tên lửa từ tầm trung đến tầm xa để tiêu diệt mục tiêu đường không. Hầu hết các biến thể có thể mang đầu đạn nặng từ 130-150 kg, với các hệ thống dẫn đường bán chủ động.
Bên cạnh đó, để tránh bị quân địch phát hiện, các bệ phóng S-300 và phương tiện hỗ trợ sử dụng nhiều cách ngụy trang khác nhau, như lưới ngụy trang biến hóa.
Thanh Bình (lược dịch)
Cận cảnh quân đội Nga phá hủy các thiết bị quân sự và nhà kho của Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga hôm 16/3 đã công chiếu đoạn video về việc phá hủy các thiết bị quân sự và kho đạn ở Chernihiv của Lực lượng vũ trang Ukraine.