Không mở rộng thêm địa phương sử dụng chương trình Công nghệ giáo dục
Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục |
Theo đó, các Sở GD&ĐT địa phương triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục trên nguyên tắc tự nguyện và phù hợp với điều kiện trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019.
Đặc biệt, sẽ chỉ triển khai trên các địa phương đã sử dụng chương trình Công nghệ giáo dục, không mở rộng để tạo sự ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục và đánh giá: về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học. Đây là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Theo một số giáo viên dạy lớp 1 tại TP.HCM, nội dung cuốn sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục có nhiều từ ngữ địa phương như “gà qué”, “con rơi/dơi”… khá xa lạ với học sinh và khác với sách Tiếng Việt lớp 1 phổ thông, nếu áp dụng đại trà sẽ gây không ít khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.
Trước những thông tin áp dụng sách này trong năm học mới, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, TP.HCM không đưa sách này vào giảng dạy.
Còn tại Bình Phước, ông Trần Văn Thường, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GDĐT tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 trường với 67 lớp học triển khai dạy và học môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Như vậy, năm nay, có 1.872 em học theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, chiếm 8,9%.
Những huyện triển khai dạy sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là huyện Bù Đăng, huyện Bù Đốp, huyện Lộc Ninh...
Theo ông Thường, 14 trường triển khai dạy sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là những trường vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn và đa số là học sinh dân tộc thiểu số. Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng này.