Không có liệt sĩ “vô danh”
Cái giá cho hòa bình không rẻ
Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (BCĐ quốc gia 515) – trao đổi với Chinhphu.vn sáng 27/7 cho biết: Chỉ riêng từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 18.000 hài cốt liệt sĩ (ở trong nước gần 8.000, ở Lào gần 3.000, ở Campuchia hơn 6.000).
“Còn nếu tính từ ngày bắt đầu triển khai, chúng ta đã tìm kiếm, quy tập được hơn 950.000 hài cốt liệt sĩ. Còn hơn 180.000 hài cốt liệt sĩ cần tiếp tục tìm kiếm, quy tập, chủ yếu là ở địa bàn trong nước. Hiện đơn vị chú trọng các địa bàn còn nhiều thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nhất là các khu vực có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; phấn đấu mỗi năm tìm kiếm, quy tập được khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ”. Nhìn qua những con số biết nói đó thôi, chúng ta càng trân quý sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ và thêm thấu hiểu cái giá cho hòa bình của Việt Nam không hề rẻ.
Theo nguồn thông tin chưa đầy đủ, Việt Nam có 8 Nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, 2 Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế và hàng vạn Nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trải dài khắp 63 tỉnh thành. Số lượng Nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia của Việt Nam là bao nhiêu cũng là câu hỏi thú vị không phải ai cũng nắm rõ. Thậm chí, nhiều người còn nhầm tưởng Nghĩa Trang Trường Sơn có số lượng mộ phần lớn nhất (nếu tính theo danh sách).
8 nghĩa trang cấp quốc gia
Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nằm trên đồi Bến Tắt, xã Vĩnh Trường, H.Gio Linh, Quảng Trị. Đây là nơi quy tụ 10.333 phần mộ liệt sĩ, là nơi an nghỉ của các chiến sĩ hy sinh trên đường Trường Sơn (đường mòn HCM); đây là công trình đồ sộ, quy mô nhất Việt Nam tính theo diện tích và số lượng mộ phần thực tế.
Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 thuộc địa phận TP.Đông Hà, Quảng Trị; được xây dựng năm 1995 và hoàn thành năm 1997, là nghĩa trang liệt sĩ có quy mô lớn thứ hai, quy tụ 10.045 mộ. Những liệt sĩ an nghỉ tại nghĩa trang này hầu hết đã hy sinh trên những chiến trường dọc đường 9. Hai nghĩa trang Trường Sơn và Đường 9 - nơi an nghỉ của hầu hết liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu) có khoảng 20.000 người đã yên nghỉ. Tuy nhiên, thực tế dấu vết còn lại đến ngày hôm nay là 1.921 phần mộ, trong đó chỉ 793 phần mộ đã xác định danh tính (có tên tuổi rõ ràng).
Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) là nơi an nghỉ của 1.797 liệt sĩ, 1 ngôi mộ tập thể; trong đó có 330 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên. Họ là những chàng trai vừa đôi mươi đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc bảo vệ biên giới từ năm 1979-1989 tại Thanh Thủy, Vị Xuyên (Hà Giang).
Nghĩa trang liệt sĩ A1, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) được xây dựng năm 1958, nằm gần di tích lịch sử đồi A1. Nơi đây có 644 ngôi mộ liệt sĩ, nhưng chỉ có 4 ngôi mộ lớn khắc họ tên các anh hùng Tô Vĩnh Diện (lấy thân mình chèn pháo), Bế Văn Đàn (lấy thân mình làm giá súng), Phan Đình Giót (lấy thân mình lấp lỗ châu mai) và Trần Can (giữ vững trận địa cao điểm 507- cầu Mường Thanh).
Nghĩa trang Liệt sĩ Đồi Độc Lập nằm đối diện đồi Độc Lập thuộc xã Thanh Nưa huyện Điện Biên (Điện Biên), được xây dựng từ năm 1957 với 2.432 mộ phần. Nghĩa trang Liệt sĩ Him Lam nằm trên địa bàn phường Him Lam, TP.Điện Biên Phủ (Điện Biên); được quy tập và xây dựng từ 1957-1960 với 869 phần mộ. Ba nghĩa trang A1, Đồi Độc Lập và Him Lam đều liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trong kháng chiến chống Pháp.
Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh) hãy còn gọi là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đồi 82 - nơi yên nghỉ của gần 14.000 liệt sĩ; nhưng chỉ hơn 7.000 mộ liệt sĩ đã được xác định danh tính; chủ yếu thuộc Quân đoàn 3.
Ngoài ra, Việt Nam có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc tế gồm: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt-Lào (được xây dựng từ năm 1976 tại TT Anh Sơn, Nghệ An; năm 1982 đã đưa được 11.000 bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước). Với diện tích gần 7ha, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào nằm sát Quốc lộ 7 là nghĩa trang lớn nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc.
Điện Biên có 3 nghĩa trang cấp quốc gia; nhiều hơn cả tỉnh Quảng Trị có 2 thì Điện Biên còn có thêm nghĩa trang cấp tỉnh nhưng là nghĩa trang quốc tế, là Nghĩa trang Tông Khao (nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào) tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Được xây dựng năm 1982 gần cánh đồng Mường Thanh, là nơi an nghỉ của hơn 2.705 liệt sĩ, nhưng chỉ có 183 mộ rõ tên tuổi.
Hải Việt