Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH: 8.000 liệt sĩ vô danh đang được giám định
Đó là một trong số những thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền cho biết trong buổi “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối 26/7.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. |
Liên quan đến hoạt động xác định danh tính của các liệt sĩ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay: Đảng và Nhà nước đã có một chương trình rất lớn, giao Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng một đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
“Đến nay, đã có trên 8.000 trường hợp các liệt sĩ chưa có tên đã được chúng tôi triển khai lấy mẫu phẩm, cùng với 3 viện của Bộ Quốc phòng, Công an và một viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết.
Hiện đang phân tích gen của các mẫu phẩm nói trên và cũng đã lấy trên 2.000 mẫu phẩm của thân nhân các liệt sĩ tham gia chiến đấu. Các mẫu phẩm của thân nhân, cũng như của các hài cốt của các liệt sĩ đã được tiến hành phân tích. Đến nay, số xác định được danh tính mới là bước đầu và con số này chưa nhiều.
Đó là kết quả bước đầu, theo vị Bộ trưởng này thì Nhà nước, Chính phủ giao và cho phép nâng cấp 3 trung tâm phân tích gen để sớm xác định danh tính các liệt sĩ, trên cơ sở đó Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác thực hiện việc này.
Trước câu hỏi của sinh viên tại một trường Đại học cho biết: Bố là thương binh nhưng nay đã mất. Vậy là con của thương binh thì có được nhận chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo dành cho con của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng hay không?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chế độ ưu đãi dành cho con các thương binh, liệt sĩ, bệnh binh được Đảng, Nhà nước thực hiện nhiều năm nay. Trong chính sách này kể cả những đồng chí thương, bệnh binh còn sớm hay đã mất thì người con vẫn đều được hưởng chính sách: thứ nhất được hưởng chính sách hỗ trợ một lần, nếu con trong độ tuổi đi học để mua sách vở hàng năm, thứ hai được miễn giảm học phí; trừ trường hợp người con đó đã được hưởng một trong các chính sách trợ cấp thường xuyên rồi…
Liên quan đến chế độ dành cho những người nhiễm chất độc màu da cam, có một trường hợp của ông Nguyễn Quang Hiên, trú tại An Lão, Hải Phòng là bộ đội chiến đấu từ năm 1972-1975 qua các chiến đấu như Xiêng Khoảng (Lào), Quảng Trị, Sông Bé, Biên Hòa và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông xuất ngũ về địa phương năm 1975, có sinh ra 5 người con thì một người bị bệnh nặng mất ngay sau khi sinh. Còn người con thứ 3 lập gia đình, thì đều sinh ra những người con không lành lặn, đứa thì đã mất.
Trường hợp này đã làm thủ tục gửi ban chính sách xã 15 năm nhưng chưa được giải quyết chế độ và muốn hỏi Bộ trưởng, liệu đã đủ điều kiện để làm chế độ người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và bị phơi nhiễm thế hệ thứ 3 hay chưa?
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay: Đối với người tham gia có quy định trong 17 bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Nếu bản thân ông tham gia và đi giám định trong 17 bệnh đó thì sẽ được hưởng. Những trường hợp tham gia nhưng vô sinh cũng được hưởng. Thứ ba là khi sinh ra những người con trực tiếp đó cũng được hưởng. Chính sách đó với người tham gia kháng chiến mà bị chất độc da cam rất rõ.
“Như trường hợp này là thế hệ thứ ba. Đến thời điểm này chưa có chính sách quy định rằng thế hệ thứ ba được hưởng đối tượng là nạn nhân chất độc da cam. Trên cơ sở ý kiến đó, chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan chuyên môn xem xác định chất độc da cam có ảnh hưởng tới người thứ ba hay không. Nếu ảnh hưởng, chắc chắn tới đây Đảng, Nhà nước sẽ xem xét mức độ để hỗ trợ”, Bộ trưởng nói.