HTX mắt xích quan trọng giải bài toán “được mùa, mất giá” cho nông dân
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết tại diễn đàn “Đẩy mạnh liên kết vùng- Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.
Diễn đàn được tổ chức ngày 26/10 do Tạp chí Kinh doanh (của cơ quan Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Diễn đàn đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà quản lý, chuyên gia nhận định về thực tiễn liên kết vùng trong phát triển kinh tế, cũng như đưa ra lời giải cho doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Thống kê cả nước hiện có trên 28.000 HTX, 13.000 tổ hợp tác, khoảng 200 liên hiệp HTX. Khu vực HTX đang thu hút thu hút 3,2 triệu hộ nông dân.Thống kê cho thấy, khi tham gia chuỗi giá trị, chi phí sản xuất, kinh doanh của HTX giảm từ 5 - 7%, doanh thu tăng thêm 15 - 20%, lợi nhuận cao hơn từ 10 - 12%, mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên trong HTX.
Ông Thịnh cho rằng đẩy mạnh liên kết vùng là vấn đề vô cùng quan trọng giúp các HTX liên kết sản xuất, mở rộng đầu ra. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 70% HTX chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa liên kết với doanh nghiệp, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế.
“Điều này khiến vấn đề tiêu thụ nông sản của các HTX còn gặp khó khăn”, ông Thịnh bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Thái Trung, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhìn nhận các kênh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước cũng như quốc tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Điều này khiến cho hàng nông sản liên tục rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” gây khó khăn cho người sản xuất.
Trong khi đó, hệ thống phân phối nông sản phần lớn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ tổ chức kém và thiếu liên kết làm tăng rủi ro, chi phí giao dịch, gây khó khăn cho kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh...
Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Thái Trung là do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, manh mún, hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ.
Hơn thế nữa, sản phẩm nông sản sản xuất ra không theo tín hiệu thị trường; khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém, hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu; tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và khả năng hợp tác của nông dân còn yếu…
Do đó, để không còn tình trạng “được mùa, mất giá” theo ông Thái Trung không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh hơn nữa liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Theo đó, Nhà nước cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các doanh nghiệp, HTX phát triển chuỗi. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các văn bản pháp luật để các chợ, siêu thị phát triển cơ sở hạ tầng, giúp cung-cầu gặp nhau.
Ngoài ra, các địa phương, các hộ sản xuất cũng cần phát triển kinh tế trang trại trong đó HTX góp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Trong đó, các chính sách hướng đến thúc đẩy HTX tham gia sâu vào liên kết chuỗi giá trị, giúp HTX phát triển các hoạt động có giá trị gia tăng, khuyến khích các hộ nông dân tham gia HTX.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh đến việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng, đẩy mạnh liên kết vùng. Theo ông đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp… sẽ góp phần hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Về phía người nông dân, các chuyên gia cũng nhìn nhận để giải quyết căn bản tình trạng rau quả được mùa, mất giá, cần phải có kiến thức về thị trường. Trước khi tiến hành trồng loại cây gì cần tìm hiểu kỹ về thông tin thị trường cũng như vấn đề quy hoạch của nó. Theo đó, người nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tính trạng sản xuất ồ ạt.
N. Huyền