Hợp tác xã thành công với mô hình nông nghiệp sạch gắn với du lịch
Ngoài ra, HTX cũng mở thêm lối phát triển làm nông nghiệp sạch gắn với du lịch, thu hút nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.
Cô gái có hướng đi liều lĩnh ấy là Diệp Thị Thảo Trang (SN 1992, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Chị Trang từng có một công việc ổn định ở TP Đà Nẵng trước khi về quê làm nông nghiệp sạch. Có thêm những người bạn làm kỹ sư cùng chung chí hướng, tháng 11/2021, nhóm của chị Trang thành lập HTX nông nghiệp công nghệ cao huyện Thăng Bình với nông trại gần 3.000 m2. HTX có 7 thành viên, trong đó Trang làm Giám đốc. Đa phần, các thành viên đều có kinh nghiệm trong nông nghiệp và công nghệ thông tin nên đây cũng chính là thế mạnh của HTX khi triển khai làm nông nghiệp công nghệ cao.
Chị Trang chia sẻ, từ lâu, bản thân chị đã có niềm đam mê với nông nghiệp sạch. Trong suốt 5 năm vừa qua, chị đã có thời gian tham gia, học hỏi nhiều mô hình trồng rau công nghệ cao ở các tỉnh như: Lâm Đồng và Kon Tum. Nhận thấy thị trường rau sạch, rau hữu cơ rất có tiềm năng với nhiều thị trường đầu ra nên chị quyết tâm theo đuổi. “Mình làm gì cũng nên có định hướng rõ ràng, đi từng bước, chậm mà chắc. Để khởi nghiệp, tôi quan tâm đến vấn đề đầu ra của sản phẩm đầu tiên, có đầu ra ổn định chính là động lực giúp mình quyết tâm chinh phục các khó khăn sau này…”, chị Trang bộc bạch và cho hay, với diện tích 3.000 m2, HTX sử dụng 400m2 để trồng rau thủy canh, diện tích còn lại trồng rau hữu cơ và hoa.
Theo chị Trang, trung bình mỗi tháng HTX cho ra thị trường khoảng 2 tấn đến 2,5 tấn rau, củ, quả các loại. Doanh thu mỗi tháng đạt 125 triệu đồng, lãi đạt gần 35 triệu đồng. “Đến nay, HTX đã hình thành được kênh phân phối sỉ và lẻ đến các siêu thị thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn, khu resort, bếp ăn công nghiệp… Trong đó, thị trường Đà Nẵng chiếm 90%, còn lại là khu vực ở Quảng Nam”, chị Trang nói và cho biết thêm, HTX có 2 hoạt động chính là sản xuất theo hướng an toàn và hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch.
Cụ thể là tổ chức các chuyến tham quan cho các trường học, trung tâm kỹ năng, giúp các em có cơ hội nhìn thấy và trực tiếp trải nghiệm quy trình trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, từ đó áp dụng vào các bài học lý thuyết trên lớp. Theo thống kê sơ bộ 8 tháng đầu năm 2022, HTX nông nghiệp công nghệ cao đã đón hơn 4.200 lượt tham quan, trải nghiệm.
Nói về định hướng trong tương lai, chị Trang cho biết, kế hoạch trong năm 2023, HTX sẽ liên kết với các hộ dân trên địa bàn nhằm hướng dẫn, chuyển giao quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, cung cấp giống, phân, bao tiêu đầu ra, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Qua đó, giúp giải quyết một phần diện tích đất bỏ hoang ở địa phương và tránh tình trạng “được mùa mất giá” cho nông dân.
“Ngoài các công nghệ trong sản xuất như: hệ thống tưới, phun sương tự động hay canh phân tự động…thì mục tiêu HTX đang hướng đến là tạo nên một ứng dụng riêng, qua đó khách hàng khi mua sản phẩm của HTX, thông qua một mã QR có thể biết được cây rau đó thuộc giống nào, xuất xứ từ đâu, được gieo hạt vào ngày nào, đóng gói ngày nào, tổng thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch là bao lâu, dinh dưỡng cho cây như thế nào. HTX muốn minh bạch trong quá trình sản xuất, giúp người tiêu dùng có thể biết rõ sản phẩm đang dùng có thực sự sạch hay không”, chị Trang chia sẻ.
Bà Trần Thị Thu Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thăng Bình cho hay, HTX nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình cũng là một trong 7 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được công nhận và đánh giá rất cao của năm 2022. “Điều mà chúng tôi tâm đắc đối với mô hình của chị Trang đó là hướng đến du lịch trải nghiệm, môi trường xanh. Đồng hành cùng chị Trang, Hội tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tìm hướng kết nối, hỗ trợ để sản phẩm của chị được lan tỏa, tiêu thụ mạnh hơn”, bà Nguyệt nói.
Sơn Tùng