Học sinh không thi TN môn Sử: Chúng tôi không sốc!
PGS.TS Kiều Thế Hưng (bên trái) trong buổi lễ chúc mừng tân hiệu trưởng và hiệu phó Trường ĐHSP Hà Nội |
PGS. TS Kiều Thế Hưng – Giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với PV Infonet.
Thông tin học sinh trường THPT Lương Thế Vinh không đăng ký thi môn Lịch sử và vụ việc học sinh một trường trong Nam xé đề cương ôn thi môn Lịch sử năm 2013 sau khi có tin không thi tốt nghiệp môn này, thầy có suy nghĩ, lo lắng gì việc học Lịch sử ở ta?
Khi biết việc các em học sinh ở TP HCM xé tài liệu ôn tập môn Sử, sau khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi Tốt nghiệp THPT năm ngoái thì không chỉ riêng tôi mà nhiều giáo viên khác đều cảm thấy buồn về sự việc trên.
Và mới đây, khi học sinh trường THPT Lương Thế Vinh không đăng ký thi môn Sử, thì đối với giáo viên dạy Sử như chúng tôi, nếu nói “sốc” thì không cảm thấy “sốc”, mà lại thêm một chút buồn đối với những người dạy Sử, vì những chuyện như thế đã được cảnh báo lâu rồi.
Việc học sinh không mặn mà với môn Lịch sử có nguyên nhân gì và hệ lụy của nó sau này sẽ thế nào thưa thầy?
Trước hết đừng nhầm lẫn giữa học sinh không đăng ký thi Sử với việc các em không hứng thú học Sử, bởi khi đi thi, mỗi người có sự lựa chọn riêng, sao cho đạt được kết quả thi tốt nhất mà không lấy sự hứng thú môn học làm tiêu chí lựa chọn.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, trong sự lựa chọn này có ảnh hưởng của tâm lý ngại học Sử, không hứng thú với môn Sử vốn đã tồn tại khá phổ biến hiện nay.
Học sinh không thích học Sử, không hứng thú với môn Lịch sử là điều đáng lo ngại, bởi những giá trị to lớn của tri thức lịch sử mà các em có thể được tiếp nhận sẽ hạn chế đi rất nhiều, trong đó có những giá trị của lý tưởng, của truyền thống, của đạo đức và niềm tin... Đó là những giá trị vô giá trong nhân cách của mỗi người mà để có được những giá trị đó, ưu thế thuộc về giáo dục lịch sử.
Học sinh đã xé bỏ đề cương, khi không phải thi môn Lịch sử |
Vì sao học sinh lại chán học Sử? Đó là câu hỏi lớn và bức xúc, trước hết là của tất cả những ai quan tâm và liên quan đến hoạt động dạy học lịch sử. Nguyên nhân thì có nhiều, cả sâu xa và trực tiếp, cả trong thái độ của xã hội, quan điểm của các cấp quản lý, ảnh hưởng của tâm lý nghề nghiệp trong xã hội công nghệ... Nhưng trực tiếp nhất phải kể đến những yếu tố liên quan đến dạy và học Lịch sử hiện nay: Mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp, phương tiện và điều kiện dạy học.
Và hơn tất cả những điều đó, nhân tố chính yếu nhất, cơ bản nhất, quyết định nhất thuộc về người thầy dạy Sử. Không quan tâm đến người thầy, không đổi mới đội ngũ giáo viên dạy Sử chúng ta sẽ mãi mãi ở bên này của dòng sông đổi mới.
Ở các nước trên thế giới người ta dạy Sử cho học sinh như thế nào? Có nước nào rơi vào hoàn cảnh như ở ta không?
Theo tôi hiểu, vấn đề dạy học lịch sử không chỉ đặt ra với Việt Nam, chỉ có điều ở ta nó đang diễn ra bức xúc hơn. Xét về quy trình phát triển, điều đó cũng là bình thường. Vấn đề là chúng ta xử lý vấn đề như thế nào cho đúng và hiệu quả mà thôi.
Có một điểm chung là các nước đều coi trọng môn Sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc. Ngay ở Mỹ, để hoàn thành chương trình trung học phổ thông, học sinh phải hoàn thành các môn bắt buộc và tự chọn, trong đó Lịch sử là môn bắt buộc. Ở Canada cũng vậy, môn Lịch sử là một trong những môn bắt buộc phải hoàn thành để trở thành một công dân.
Phương pháp dạy sử ở các nước cũng có nhiều đổi mới. Nói về điều này thì dài, nhưng cái mà nhiều nước chú trọng là tính chủ động và tạo điều kiện và hướng dẫn học sinh tự nhận thức. Đây là điều mà chúng ta cần quan tâm. Lối dạy nhồi nhét, áp đặt đã bóp chết sức sống của bộ môn Lịch sử.
Nhiều nước cũng rất quan tâm đến đầu tư công nghệ trong dạy sử. Tôi đã dự những giờ Sử ở nước ngoài với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và tâm sự với những người đi cùng rằng, học sử như thế thì người lớn và thầy giáo cũng thích chứ chả nói đến học sinh!
Đổi mới là một cuộc cách mạng đồng bộ, nhưng trước hết phải đổi mới ở quan điểm nhận thức. Không đặt môn Lịch sử đúng với vị trí lịch sử của nó thì chúng ta khó có được những điều mong muốn.
Thầy có giải pháp, kiến nghị gì để học sinh đến với môn Lịch sử?
Dạy Sử bây giờ phải hay và hấp dẫn. Làm sao để Lịch sử đúng là "cô giáo của cuộc sống" như sự vinh danh vốn có của nó. Học sinh chán học Sử, đó là một nghịch lý, bởi Lịch sử vốn sinh động và hấp dẫn. Học Sử ở trường không phải là kênh nhận thức lịch sử duy nhất của học sinh, nhưng là kênh chính thống nhất, khoa học nhất, tin cậy nhất của họ.
Trước hết phải làm sao học sinh hứng thú với lịch sử đã, bởi không hứng thú học sử, khó có giải được bài toán chất lượng trong dạy học Lịch sử hiện nay.
Có một vấn đề lâu nay ít được bàn tới, đó là sự lẫn lộn giữa kiến thức lịch sử và giá trị của kiến thức đó. Cái mà dạy học lịch sử phải đạt tới là giá trị của kiến thức chứ không phải bản thân kiến thức đó. Một nhà khoa học đã từng nói "giáo dục không phải là đổ đầy một cái bình, mà là đốt lên ở đó một ngọn lửa".
Nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà không chú trọng đến giá trị của nó, tức nhận thức kiến thức đó để làm gì và bao nhiêu kiến thức để đạt được giá trị cần thiết, thì đó sẽ là một thảm hoạ trong nhận thức lịch sử. Điều đó giải thích vì sao không phải thi Sử, đối với học trò là một sự giải thoát.
Đổi mới, đó là điều đương nhiên phải tiến hành, nhưng cũng phải thận trọng, bình tĩnh, tránh cực đoan và "quá trớn".Tôi phải nói vậy bởi đã xuất hiện những quan điểm đổi mới cấp tiến, không chỉ trong phương pháp mà cả trong mục tiêu dạy học Lịch sử, khi có biểu hiện cực đoan hoá quan điểm nước ngoài, coi nhẹ yếu tố dân tộc, yếu tố truyền thống trong mục tiêu dạy học Lịch sử.
Ngay trong phương pháp dạy học Lịch sử cũng vậy, nhiều khi ta cứ cực đoan hoá cái mới, mà quên mất rằng trong kho tàng phương pháp dạy học truyền thống còn rất nhiều kinh nghiệm quí báu của những người thầy bình dị nhưng đã bị lãng quên.
Xin cảm ơn thầy!