Học sinh, giáo viên không dùng mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục
Đó là một trong những nội dung được quy định tại bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Thông tư 06 quy định về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT ban hành với mục đích điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Bên cạnh đó, ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Ảnh minh họa |
Trong số các quy tắc ứng xử chung, có một số nội dung đáng chú ý như: Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không sử dụng trang phục gây phản cảm. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng thời gian tới chúng ta nên ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học phổ thông.
“Tôi yêu cầu quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phải được xây dựng cụ thể, đo đếm được, tránh chung chung hoặc chỉ mang yếu tố “phong trào”.
Cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, bảo đảm các yêu cầu: Khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…thì bộ quy tắc ứng xử này mới thực sự đi vào thực tế”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Hoàng Thanh