Hà Tĩnh phát động ngày toàn dân phòng chống mua bán người
Là tỉnh có hơn 164km đường biên giáp ranh với nước bạn Lào, thời gian qua, tình trạng di cư ra nước ngoài trái phép tại Hà Tĩnh đang diễn ra rất phức tạp, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ xảy ra tình trạng buôn bán người.
Sáng 25/7, tại Trung tâm hành chính huyện Kỳ Anh, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới, Hội LHPN huyện Kỳ Anh tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người nhằm hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7.
Tham gia Lễ phát động chung tay phòng, chống tội phạm mua bán người có đại diện một số ban, ngành cấp tỉnh, chính quyền địa phương... |
... và trên 200 chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Kỳ Anh. |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh thông tin, trong những năm gần đây, tình hình di cư bất hợp pháp và hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực diễn biến phức tạp, với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng.
Lợi dụng những người nhẹ dạ, cả tin, các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài để cuộc sống giàu có, việc nhẹ, lương cao, công việc nhàn hạ…
Sau đó tổ chức cho nạn nhân vượt biên trái phép rồi bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật. Gần đây đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, học sinh, sinh viên, mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Khi tỉnh ngộ ra, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh phát động “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. |
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, Việt Nam phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng tham gia, lừa bán gần 7.500 nạn nhân, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%). Đối tượng nam giới, trẻ em trai cũng có thể là nạn nhân mua bán người vì mục đích bóc lột lao động, mua bán nội tạng. Các vụ việc thường xảy ra ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, trật tự của đất nước và là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.
Nguyên nhân gia tăng tình trạng mua bán người được xác định là do siêu lợi nhuận; mất cân bằng về giới; khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm; thông thoáng trong xuất nhập cảnh; mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin của người dân; công tác truyền thông, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người có khi còn chưa đủ mạnh...
Để chương trình phòng, chống mua bán người có hiệu quả, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các cấp Hội đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là tại các địa phương có số lượng người di cư đi lao động ở nước ngoài đông, có nguy cơ cao.
Người dân tham gia giao lưu, trả lời các câu hỏi liên quan đến nhận thức về các hành vi tội phạm mua bán người. |
Nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, góp phần cùng các ngành chức năng kịp thời ngăn chặn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Chú trọng công tác tập huấn, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ sau đào tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn cho phụ nữ. Cung cấp thông tin và kết nối nạn nhân với các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, có những biện pháp hỗ trợ thiết thực đối với những nạn nhân bị lừa gạt trở về sớm hoà nhập cộng đồng.
Tập trung xây dựng và nhân rộng có hiệu quả các các mô hình truyền thông, câu lạc bộ về “phòng, chống mua bán người”, “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.
Đại diện các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Kỳ Anh và hơn 200 hội viên phụ nữ tham gia diễu hành, tuyên tuyền “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”. |
Nâng cao kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại cơ sở; tranh thủ các nguồn lực từ tỉnh, huyện, các tổ chức quốc tế để phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các diễn đàn đối thoại chính sách về di cư lao động và phòng ngừa mua bán người.
Mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện các hành vi phạm tội mua bán người; chủ động trang bị kiến thức về thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng di cư an toàn. Đặc biệt, đối với phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen, giao tiếp, quan hệ trên mạng xã hội. Các gia đình có con em đang ở độ tuổi vị thành niên cần chú ý giáo dục, định hướng việc sử dụng điện thoại, Internet của các cháu; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để quản lý, giáo dục con em kịp thời…
Đoàn diễu hành qua nhiều tuyến đường chính tại xã Kỳ Đồng và một số xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh |
Sau lễ phát động, hơn 200 người là hội viên phụ nữ và đại diện các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã tham gia diễu hành, tuyên tuyền “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”.
Lễ phát động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm tuyên truyền đến cộng đồng nâng cao nhận thức phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người nhằm bảo vệ sự bình an cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nghệ An: Hàng chục nghìn người được nâng cao nhận thức về mua bán người
Mua bán người là loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội.
Trần Hoàn