Nghệ An: Hàng chục nghìn người được nâng cao nhận thức về mua bán người
Mua bán người là loại hình tội phạm đặc biệt nguy hiểm bởi những hệ lụy lâu dài đối với bản thân nạn nhân và toàn xã hội.
Có đường biên giới dài hơn 400km, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, dân trí thấp, người dân thiếu việc làm…đã biến những huyện biên giới tỉnh Nghệ An thành “lãnh địa” cho các đối tượng mua bán người hoạt động.
Những năm qua với sự hỗ trợ của Tổ chức di cư quốc tế IOM, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực phối hợp với các cấp ngành địa phương nâng cao kiến thức về di cư an toàn cho người dân và ngăn chặn nạn mua bán người.
IOM là tổ chức Di cư quốc tế thực hiện những hoạt động giúp đỡ các chính phủ và người di cư trong việc thúc đẩy di cư có trật tự và tinh thần nhân đạo, những hoạt động này có mối liên hệ mật thiết với các chính phủ, liên chính phủ và tổ chức phi chính phủ hoạt động trên toàn cầu.
Tuyên truyền về phòng chống mua bán người tại các trường học. |
Bên cạnh việc hướng dẫn tổ chức các buổi tuyên truyền, tổ chức di cư quốc tế IOM còn tổ chức rất nhiều các lớp tập huấn cho cán bộ hội viên các cấp để triển khai công tác phòng, chống buôn bán người tại địa phương mình sát thực tế, hiệu quả nhất.
Theo đó, IOM, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An đã triển khai các cuộc tập huấn về “Cung cấp các kiến thức cơ bản về Phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại, di cư an toàn” cho 55 cán bộ đến từ các ban, ngành, đoàn thể cấp xã tại hai huyện Yên Thành và Diễn Châu.
IOM, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An cũng tổ chức “Chuỗi hoạt động truyền thông về di cư an toàn” cho hơn 2.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ, người dân và học sinh các trường THPT, Trường trung cấp kỹ thuật Yên Thành và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Yên Thành thuộc hai huyện Diễn Châu và Tương Dương.
Đặc biệt trong giai thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các hoạt động vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến như cuộc thi “Phụ nữ với công tác phòng, chống mua bán người” cho báo cáo viên, tuyên truyền viên huyện Yên Thành.
Với mong muốn tác động vào nhận thức để từng bước thay đổi hành vi, các cấp Hội phụ nữ Nghệ An đã và đang có nhiều cách thức truyền thông và dành cho nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau.
Hội phụ nữ đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu kiến thức về “Di cư an toàn và phòng chống mua bán người”. Với hình thức sân khấu hóa những nội dung liên quan đến xuất khẩu lao động theo đường chính ngạch và những thủ đoạn của hoạt động buôn bán người.
Các em được nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về những nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán từ việc di cư lao động không an toàn. Từ đó có trách nhiệm hơn và cùng chung tay, góp sức đẩy lùi nạn mua, bán người.
Bà Trần Thị Thanh – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, “chúng tôi xác định nhiệm vụ này rất quan trọng, do đó Hội phụ nữ đã phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát các vấn mua bán người, tổ chức nhiều hoạt động như di cư an toàn, đối thoại di cư an toàn phòng chống mua bán người, đến nay có hiệu ứng tích cực, cả hệ thống vào cuộc…
Được biết, với sự hỗ trợ của của tổ chức di cư quốc tế IOM đã có hàng chục nghìn người được nâng cao nhận thức về mua bán người, nô lệ thời hiện đại. Gần 1 triệu triệu người được tiếp cận truyền thông qua mạng xã hội, hàng trăm cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ; hơn 100 nạn nhân và người có nguy cơ được hỗ trợ.
Dự án đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận trong mỗi hợp phần: phòng ngừa, truy tố, bảo vệ. Dựa trên mối quan hệ đối tác liên ngành bền chặt, sâu sắc với các cơ quan, tổ chức cùng chung tay ngăn chặn nạn mua bán người, tạo ra những thay đổi dài hạn trong công tác phòng, chống mua bán ở Nghệ An.
Trong năm 2020, Công an huyện Kỳ Sơn đã phối hợp điều tra làm rõ 5 vụ, 8 đối tượng mua bán người, giải cứu thành công 8 nạn nhân. Tính riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phá thành công 5 chuyên án, 6 đối tượng mua bán người, giải cứu thành công 5 nạn nhân.
N. Huyền - Ngân Huyền