Hà Nội: Gợi ý đáp án thi vào 10 chuyên Văn năm học 2016 - 2017
Câu 1:
A. Yêu cầu:
1. Về kỹ năng:
– Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề xã hội.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
2. Về kiến thức:
Thí sinh cần tập trung bày tỏ suy nghĩ về khả năng kết nối và cảm nhận thế giới của con người trong cuộc sống hiện nay.
Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau đây:
- Suy nghĩ về những điểm tích cực và tiêu cực của việc sử dụng smartphone trong giới trẻ hiện nay:
+ Khi công nghệ chưa phát triển, người ta gửi thư phải đợi rất lâu mới có hồi âm, lỡ có việc quan trọng cần thông báo ngay cũng không được, đi tàu cũng mất nhiều thời gian…
+ Smartphone bây giờ là vật bất li thân của nhiều người. Nếu được ngắm một hoàng hôn đẹp lộng lẫy mà cứ để nó trôi đi thì tiếc lắm, ít nhất cũng phải chụp lại, để sau này ngắm nó ta lại cảm nhận được cảm xúc khi ấy.
Việc dùng smartphone giúp ta thực hiện được điều đó, tiếp cận được thông tin, mở rộng giao lưu với thế giới bên ngoài, mở rộng tri thức, song nó cũng lấy đi của ta thời gian, nếu quá lạm dụng sẽ dẫn đến nghiện, khiến ta sống ảo… Từ khi có smartphone, mỗi người đều là một thế giới thu nhỏ, mọi cảm xúc, tâm tư tình cảm đều gửi gắm vào nó, con người ta dần mất đi thứ gọi là "cảm xúc ".
- Thực trạng phổ biến hiện nay là giới trẻ sử dụng mạng xã hội quá nhiều nên quên mất khả năng kết nối và khả năng cảm nhận cuộc sống của chính bản thân mình:
+ Con người sống cần có khả năng kết nối và cảm nhận, đó mới là giá trị thực của đời sống.
+ Công nghệ vốn dĩ là 2 mặt, giúp con người trong rất nhiều việc, ở xa nhau chỉ cần 1 cú điện thoại hoặc 1 tin nhắn, nhưng bây giờ thậm chí ở gần cũng phải điện thoại, nhắn tin, chẳng còn tha thiết gặp mặt trò chuyện như xưa. Thậm chí lâu ngày mới gặp mà ngồi bên nhau cũng chỉ cắm đầu vào chiếc smartphone chứ chẳng trò chuyện được bao nhiêu.
+ Hiện nay smartphone cực kì phổ biến, mạng xã hội lại đang lan rộng, nên con người đang lầm tưởng nó là thế giới thật, nhiều khi ham mê quá mà quên mất những giá trị thực ngoài đời sống. Nhiều bạn trẻ khi đi chơi với bạn bè thường chỉ chăm chú vào smartphone mà ít khi nói chuyện, tâm sự; về nhà cũng chỉ quan tâm đến smartphone mà không giao tiếp với bố mẹ, anh chị em.
Những câu nói hững hờ, tình cảm giữa người với người dần phai nhạt, tình cảm không còn như trước, người ta ẩn nấp trong "thế giới ảo" của mình. Mọi mối quan hệ đều trở nên hời hợt. Lúc chat trên fb thân thiết bao nhiêu thì ở bên ngoài người ta trầm mặc xa lạ bấy nhiêu giống như hai con người khác nhau.
+ Có một số người chỉ dám chia sẻ, tâm sự những cái thật trên thế giới ảo. Đơn giản vì thế giới thật quá vô cảm và làm cho con người sợ khi nói ra bí mật của bản thân.
+ Không nên nhầm lẫn về giá trị của kết nối ảo. Mọi người giờ đây trò chuyện nhiều trong "thế giới ảo" để rồi quên rằng: mối quan hệ giữa người và người cần được vun đắp và giữ gìn trong "thế giới thật" bằng những cái bắt tay khăng khít, bằng những cái ôm nồng ấm, bằng những nụ hôn lãng mạn...
Nỗi đau hay niềm hạnh phúc không thể được san sẻ chỉ bằng một icon khóc hay cười mà nên được gửi đến người khác bằng những lời nói, sự giao thoa xuất phát từ trái tim, là những hành động thực sự khiến cho người mình quan tâm được hạnh phúc! Vì chúng ta là con người, được sinh ra để cần nhau: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn)
Như vậy smartphone làm tăng khả năng kết nối nhưng lại hạn chế khả năng cảm nhận thế giới, đồng cảm và chia sẻ của con người trong cuộc sống hiện nay.
Câu 2:
A. Yêu cầu:
1. Về kỹ năng:
– Học sinh biết cách làm bài nghị luận về tác phẩm để giải thích, chứng minh một nhận định.
– Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
– Diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi ngữ pháp, dùng từ, chính tả.
2. Về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về văn bản Tiếng nói của văn nghệ và các tác phẩm trong chương trình ngữ văn, thí sinh cần làm sáng tỏ nhận định của Nguyễn Đình Thi về văn nghệ. Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau đây:
a) Giải thích ngắn gọn ý kiến của Nguyễn Đình Thi:
Ý kiến của Nguyễn Đình Thi nêu lên nguồn gốc của văn nghệ (nghệ thuật) – trong đó có văn học – cũng như vai trò, ý nghĩa, tác động của văn nghệ (nghệ thuật) đối với tâm hồn người tiếp nhận, thưởng thức:
– Văn nghệ “bắt rễ ở cuộc đời hàng ngày của con người”: Các tác phẩm văn học, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống hiện thực; người nghệ sĩ lấy chất liệu sáng tác từ đời sống hàng ngày.
– Văn nghệ “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn”: văn học, nghệ thuật giúp đời sống tinh thần của con người trở nên phong phú hơn, làm giàu có thêm tâm hồn với những tình cảm vui – buồn, yêu thương – căm giận… “Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn, tai mắt biết nhìn, biết nghe thêm tế nhị, sống được nhiều hơn”. Văn nghệ góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp thế giới tinh thần của người thưởng thức, tiếp nhận. "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có" (Hoài Thanh)
b) Làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Đình Thi qua việc phân tích một vài tác phẩm trong chương trình ngữ văn: Thí sinh chỉ cần chọn 1 đến 2 tác phẩm mà mình tâm đắc, tập trung phân tích và cảm nhận sâu sắc, tinh tế để làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Đình Thi. Chẳng hạn:
* Sang thu:
– Bài thơ “bắt rễ ở cuộc đời”: khung cảnh thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa cuối hạ đầu thu trở thành chất liệu cho thi phẩm, trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật của Hữu Thỉnh.
– Bài thơ “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn” người đọc: độc giả được cùng tác giả khám phá những tín hiệu ban đầu của thiên nhiên lúc sang thu; bài thơ khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh sắc quê hương Việt Nam; ở hai câu cuối (Sấm cũng bớt bất ngờ – Trên hàng cây đứng tuổi) ngoài nghĩa tả thực còn gợi suy ngẫm về triết lí cuộc đời: sự vững vàng của con người từng trải trước những biến động của cuộc sống.
* Chiếc lược ngà:
- Tác phẩm “bắt rễ ở cuộc đời”: hoàn cảnh chiến tranh ác liệt tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ
- Tác phẩm “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn”:
Người đọc được cùng tác giả nghẹn ngào trước tình cha con trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh và tình đồng chí của những người cán bộ cách mạng. Tình cha con được miêu tả cảm động ở cả hai phía: người cha cán bộ cách mạng và đứa con gái nhỏ.
Đó không chỉ là tình cảm muôn thủa, có tính nhân bản bền vững, mà còn được được thể hiện trong hoàn cảnh ngặt nghèo và éo le của chiến tranh và trong cuộc sống nhiều gian khổ, hi sinh của người cán bộ cách mạng. Vì thế, tình cảm ấy càng đáng trân trọng và đồng thời nó cũng cho thấy những nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho cuộc sống bình thường của mọi người. (…Một kỉ vật đơn sơ mà vô giá, đã nối hai cuộc gặp gỡ với ba con người: chiếc lược ngà.
Nhưng vang vọng suốt cả câu chuyện, suốt những quãng đời, suốt những cuộc đời ấy chỉ có một tiếng kêu, một tiếng kêu bình dị mà thiêng liêng bậc nhất của cõi đời này: Ấy là tiếng Ba. Tiếng ba vỡ ra từ sâu thẳm cõi lòng cô bé. Còn đối với người cha, đó là tiếng gọi ba đầu tiên và cũng là những tiếng cuối cùng ông nghe được từ con!)
* Mùa xuân nho nhỏ:
– Bài thơ cũng bắt nguồn từ đời sống: khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên, đất trời và mùa xuân của đất nước đã in bóng trong trang thơ của Thanh Hải; bên cạnh đó, còn có mùa xuân của lòng người: khát vọng cống hiến cho cuộc đời chung của tác giả.
– Bài thơ cũng “tạo được sự sống cho tâm hồn người”, “mở rộng khả năng của tâm hồn” độc giả: người đọc được cùng tác giả khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất nước vào xuân; thêm yêu đời, yêu thiên nhiên và khao khát sống đẹp, sống cống hiến cho đời.
c) Đánh giá chung:
Các tác phẩm trên là tác phẩm của những tác giả khác nhau, ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng đều là minh chứng tiêu biểu cho mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, nghệ thuật và người thưởng thức văn nghệ. Nhận định của Nguyễn Đình Thi đúng đắn và có tầm khái quát cao.