Giáo viên cần linh động khi dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số
Ông Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ cấp mầm non và tiểu học là người dân tộc thiểu số hết sức quan trọng và cấp bách trong quá trình nhận thức được về sự vật, hiện tượng của các cháu.
Vì khi trẻ hiểu câu hỏi của cô thì trẻ mới trả lời được, trẻ thành thạo tiếng Việt mới diễn đạt hết những ý tưởng của mình cho cô giáo hiểu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, chúng ta dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ như thế nào để có hiệu quả?
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như buổi học, tính linh động của giáo viên, khả năng cảm nhận của trẻ, đồ dùng trực quan cho tiết dạy…
Ảnh minh họa |
Ông Dong đặc biệt nhấn mạnh vào vai trò trong sự tác động qua lại giữa giáo viên và các cháu với yêu cầu đặt ra phải phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý của trẻ. Do đó, phải căn cứ vào đối tượng chúng ta đang dạy, tùy vào hoàn cảnh để giáo viên lựa chọn những bài dạy phù hợp với trẻ, được như thế, buổi học mới thành công, các cháu nắm bắt nhanh vấn đề mà cô giáo đưa ra.
Từ thực tế qua các chuyến đi nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học tại tỉnh vùng cao, ông Dong cho biết thêm, có nhiều giáo viên vùng cao đã linh động tổ chức dẫn dắt các em tham gia vào những buổi học, những trò chơi đóng vai, qua đó, trẻ học được ngôn ngữ tiếng Việt.
Ví dụ, khi cô giáo tổ chức một trò chơi, đóng các vai nhân vật trong câu chuyện “Dê đen và dê trắng” và khi đảm nhận vai thì phải hiểu được các lời thoại của nhân vật…
Đặc biệt khi trẻ tham gia chơi bắt buộc phải linh hoạt trong ngôn ngữ giao tiếp để giải quyết các tình huống cần dùng đến sự mưu trí của dê đen để chiến thắng sói. Từ ví dụ thực tế này chứng tỏ, ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ mạch lạc thì trẻ lại thích giao tiếp, thích gần gũi với cô giáo, bạn bè và dần dần sự tự tin giao tiếp ấy giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách dễ dàng hơn. “Khi trẻ hiểu được ngôn ngữ tiếng Việt thì quá trình học của trẻ mới có hiệu quả”, ông Dong nhấn mạnh.
Để công tác dạy tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả nhất định, các trường cũng cần: Xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, trong đó xác định nội dung, chương trình dạy cho buổi thứ hai: giãn tiết, tổ chức phụ đạo kiến thức cho học sinh còn hạn chế, bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho học sinh năng khiếu hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa, hoạt động giáo dục trải nghiệm khác…
Các trường giao quyền chủ động cho giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học: Điều chỉnh, tích hợp hoặc tăng thời lượng; phân luồng đối tượng học sinh, tổ chức dạy học theo hướng cá thể hóa, chấp nhận sự khác biệt trong lớp học với phương châm “đi chậm mà chắc”, “học đến đâu chắc đến đó”.
Chỉ đạo giáo viên rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK), tài liệu học tập đề xuất với tổ chuyên môn chủ động, linh hoạt điều chỉnh, tinh giảm, lược bớt những nội dung trùng lặp, thay đổi ngữ liệu cho phù hợp với vùng miền và học sinh DTTS… trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.
Bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết: Một số tỉnh triển khai việc dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS còn chậm, chưa quan tâm bố trí nguồn lực và các giải pháp để thực hiện, cơ sở vật chất thiếu thốn, năng lực chỉ đạo, hướng dẫn, khả năng của giáo viên còn hạn chế, sự quan tâm của phụ huynh hay cả nỗ lực của học sinh chưa đến nơi đến chốn….
Để tiếp tục triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ DTTS hiệu quả, các tỉnh, thành phố quan tâm xây dựng thư viện thân thiện phù hợp để khuyến khích phụ huynh cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục rèn phát âm và khả năng nghe, nói bằng tiếng Việt cho trẻ, nhất là đối với trẻ thuộc nhóm dân tộc rất ít người, trẻ sống biệt lập tại các thôn, buôn, khu vực hẻo lánh ít được nghe nói tiếng Việt.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tài liệu, học liệu về tăng cường tiếng Việt cho cơ sở giáo dục mầm non, nhóm lớp có đông trẻ em người DTTS; tổ chức học hai buổi/ngày để trẻ có cơ hội tăng cường tiếng Việt. Đáng chú ý, các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ và chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS theo quy định…