Độc đáo mô hình “Vườn Địa lý”
Từ thực tế đó, mô hình “Vườn Địa lý” (VĐL) của tập thể giáo viên bộ môn Địa lý Trường THPT Châu Văn Liêm (thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới) đã ra đời, đáp ứng nhu cầu dạy và học theo hướng tích cực hiện nay.
Học sinh thích thú với mô hình Vườn Địa lý |
Đặt chân đến ngôi trường vùng quê này, điều đầu tiên thu hút chúng tôi chính là mảnh vườn nhỏ nằm thơ mộng ở một góc sân trường, mà thầy và trò nơi đây vẫn gọi là VĐL. Mô hình được xây dựng và hoàn thành trong năm học 2012 – 2013, với diện tích: Ngang 5m, dài hơn 8m. “Chúng tôi sáng lập mô hình VĐL giúp học sinh có cái nhìn thực tiễn, cụ thể hơn về tự nhiên, đồng thời tạo hứng thú với các em hơn, vì đa phần học sinh chưa quan tâm nhiều đến môn Địa lý. Mô hình được áp dụng cho việc giảng dạy môn Địa lý tự nhiên lớp 10, cụ thể là bài 15 (Thủy quyển) và phục vụ một số bài học của lớp 11 và 12” – cô Trần Thị Hồng Nhung, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa của trường chia sẻ. Được biết, mô hình do thầy Đặng Hùng Dũng (giáo viên môn Địa lý) nghĩ ra ý tưởng và xây dựng bởi chính công sức và sự tâm huyết của giáo viên và Đoàn Thanh niên nhà trường. Kinh phí hoàn thành mô hình là 15 triệu đồng, không tính ngày công giáo viên bỏ ra xây dựng. “Anh em nào không có tiết dạy thì cùng nhau phụ sắp đặt, trang trí để mô hình sớm hoàn thành. Không chỉ đóng góp công sức, mọi người còn chủ động hỗ trợ kinh phí trong việc xây dựng mô hình” – cô Nhung bày tỏ.
VĐL là mô hình thu nhỏ các vùng, miền, cảnh quan trên bề mặt Trái Đất, gồm: Khí quyển, thủy quyển, sinh vật quyển, thổ nhưỡng… VĐL càng được sinh động hơn khi tất cả vùng, miền đều được thiết kế, trồng những loại cây phù hợp thổ nhưỡng giúp học sinh có cái nhìn trực quan. Chẳng hạn, vùng cao nguyên thì có cây cao su, cà phê; vùng sa mạc có cây xương rồng; vùng đầm lầy là sen và lúa, hoa màu là tượng trưng cho vùng đồng bằng. Mô hình càng trở nên sống động khi có sự xuất hiện sự sống của các loài động vật, như: Nhím, cá sấu, chồn, trăn, khỉ, cá. “Tất cả những động vật trên do thầy Hùng Dũng tặng cho trường để mô hình đến gần hơn với học sinh. Song, vì không có điều kiện chăm sóc nên chúng tôi nhờ thầy Dũng tiếp tục nuôi chúng ở nhà, đến khi có tiết dạy trên mô hình mới sắp xếp mang vào” – Phó Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Quang Minh bộc bạch.
Với mô hình VĐL, học sinh sẽ thấy được mối quan hệ giữa các nhân tố tự nhiên với các thực địa trên Trái Đất. Qua đó, những hiện tượng như vòng tuần hoàn của nước, không còn là những câu nói suông, khó hiểu trên lý thuyết khi xưa nữa, mà các em sẽ được trực tiếp nhìn chúng dưới mô hình cụ thể. Nhờ vậy, học sinh có thể hiểu, nhớ bài lâu, thậm chí là thuộc bài ngay tại tiết học đó. Mô hình không chỉ để các em hiểu được hiện tượng tự nhiên, mà còn ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. Vì khi tạo mưa lên VĐL, những nơi đất trống nước sẽ chảy xuống ồ ạt, cuốn đi những thứ chúng qua. Vùng nào có cây xanh nhiều thì hạn chế được dòng chảy đó hơn. Có thể nói, khi được quan sát sinh động như thế thì học sinh sẽ có cảm nhận sâu sắc và tự ý thức hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ thiên nhiên. Nguyễn Hoàng Khoa (học sinh lớp 10A2, Trường THPT Châu Văn Liêm) phấn khởi: “Dù mới chỉ được học trên mô hình lần đầu nhưng em thấy rất hứng thú. Nó tạo cho em cảm giác mới lạ với môn Địa lý, từ đó yêu thích và hiểu bài hơn. Ngoài ra, mô hình còn giúp em yêu thiên nhiên cũng như hiểu được các nhân tố ảnh hưởng đến dòng chảy của nước hơn”.
“Mô hình VĐL là điểm nhấn trong việc thay đổi phương pháp dạy học từ bảng đen, máy chiếu giúp học sinh tiếp cận gần hơn với thực tế. Thậm chí, mô hình còn có sức hút hơn khi để học sinh tìm hiểu qua phim ảnh hay giáo án điện tử. Ngoài việc thể hiện mối quan hệ các vùng, miền, mô hình còn phản ánh khá chi tiết, cụ thể về các sự vật, hiện tượng của thiên nhiên, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho học sinh nắm và nhớ bài lâu. Nhiều trường học trong tỉnh đã đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm về mô hình VĐL của trường. Đó là niềm tự hào của tập thể giáo viên nhà trường. Do hạn hẹp kinh phí, mô hình có bị hư hao đôi chút do thời gian bào mòn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mô hình VĐL này để môn Địa lý không còn khô khan với học sinh nữa!” – thầy Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh.
Theo Phương Lan/Báo An Giang