Dạy con sao để khỏi 'quê' vì lì xì?
Ngày tết đứa trẻ nào cũng thích được lì xì - Ảnh minh họa: N.C.T. |
Tết năm ngoái, chị Lâm An (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) dở khóc dở cười khi cậu con trai 7 tuổi vừa được lì xì đã xé bao ngay trước mặt khách và... chê ít, khiến chị An chết đứng còn khách thì bối rối, ngượng ngùng.
Còn bé Hòa con anh Thái (Biên Hòa, Đồng Nai) lại khiến đồng nghiệp của ba mẹ khó xử khi đưa lì xì mà cháu không nhận, lý do là hàng ngày cháu được cha mẹ dạy không được nhận quà của bất cứ người nào khi chưa được ba mẹ cho phép.
Trong khi đó bằng tuổi bé, nhiều cháu vừa gặp khách đã đòi lì xì khiến mẹ cha xấu hổ, còn khách thì ngượng ngùng vì chưa kịp chuẩn bị.
Làm sao để không bị "quê" vì hành xử của con quanh chuyện lì xì? Dưới đây là vài gợi ý dành cho các bậc cha mẹ.
Giải thích cho con hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì: Hãy giải thích với trẻ lì xì là điều may mắn, tốt lành mà người lì xì muốn gửi gắm đến trẻ, mong sang năm mới trẻ chăm ngoan, học giỏi, mạnh khỏe…Cho nên, trẻ có quyền được nhận với một thái độ và cử chỉ trân trọng, đúng mực, lễ phép.
Dạy con lịch sự khi được lì xì: Nhắc con không được xé phong bao lì xì ngay trước mặt khách, không được chê ít hay so sánh tiền lì xì của người này với người kia vì có thể làm người đối diện buồn lòng, thậm chí bị tổn thương.
Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác tưởng chừng rất đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn… Các thành viên trong gia đình cũng có thể luân phiên nhau đóng vai người khách lì xì và người nhận lì xì, "thi" xem ai có cử chỉ đón nhận đẹp nhất.
Không "tịch thu" tiền lì xì của con: Suy cho cùng, về danh nghĩa tiền lì xì vẫn là tiền của trẻ. Với trẻ trên 6 tuổi, cha mẹ không nên "tịch thu" hoàn toàn khiến trẻ ấm ức, khó chịu, tỏ rõ thái độ không phục đối với cha mẹ.
Tuy nhiên cha mẹ cần khéo léo bàn bạc với con, đừng để chúng hoàn toàn tự quyết việc tiêu xài khoản tiền này, thay vào đó giúp con lập sổ quản lý, chi tiêu phù hợp, có kế hoạch.
Hướng dẫn con dùng tiền lì xì một cách ý nghĩa: Hãy gợi ý con dùng tiền lì xì mua đồ dùng học tập cần thiết, mua những tiện nghi dùng chung gia đình (tủ giày, kệ sách...), đóng quỹ từ thiện... Điều này hướng trẻ biết nghĩ đến người khác, sống nhân hậu và rộng lượng hơn.
Tiền đóng góp của trẻ có thể không nhiều, nhưng việc được đóng góp cùng mọi người sẽ khiến trẻ thấy hãnh diện, tự hào cũng như thấy mình có trách nhiệm hơn.
Việc hiểu phong tục lì xì, có ứng xử phù hợp với lì xì… sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn sau mỗi mùa tết.
Theo Tuổi trẻ