Đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học
Hiện nay nhiều địa phương đã cho học sinh đi học trở lại, vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, là mối quan tâm của nhiều phụ huynh có con học bán trú.
Tại Bắc Giang, Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, Sở vừa có chỉ đạo triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.
Theo đó, Sở đề nghị phòng GD&ĐT các huyện, thành phố (chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS), các đơn vị trực thuộc Sở tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông Tháng hành động về ATTP tỉnh triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2022.
Các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật và thực hành đúng về ATTP cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Đồng thời, tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động tại địa phương với chủ đề: “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Thời gian diễn ra Tháng hành động từ ngày 15/4 đến 15/5/2022.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó chú trọng đến bảo đảm dinh dưỡng và ATTP. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch và phòng ngừa dịch bệnh đường tiêu hóa.
Sở GD&ĐT nêu rõ, trong thời gian diễn ra Tháng hành động, mỗi nhà trường làm tối thiểu 5 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền treo ở cổng và trong khu vực trường học.
"100% nhà trường có bếp ăn tập thể thực hiện cam kết bảo đảm ATTP với cơ quan y tế địa phương. Đồng thời, chủ động kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng thực phẩm và chấp hành đầy đủ các điều kiện về ATTP trong quá trình bảo quản, chế biến thực phẩm phục vụ giáo viên và học sinh.
Cùng với đó, có phương án và sẵn sàng phối hợp, tham gia cùng với các cơ quan chức năng xử trí, khắc phục kịp thời khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường học. Phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra về ATTP đối với bếp ăn tập thể trong các trường học...", Sở GD&ĐT lưu ý.
Nhân viên dinh dưỡng đều dùng găng tay, đeo khẩu trang, đầu tóc gọn gàng trong quá trình chế biến đồ ăn |
Tại các trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các cô giáo, nhân viên dinh dưỡng đều dùng găng tay, đeo khẩu trang, đầu tóc gọn gàng trong quá trình chế biến và chia khẩu phần thức ăn cho trẻ.
Cùng với đó, mọi vật dụng, dụng cụ nấu ăn, đựng thực phẩm đều được rửa sạch, để khô ráo và xếp gọn gàng, ngăn nắp theo một trật tự nhất định.
Ngoài nguyên liệu thực phẩm sạch, an toàn, quá trình chế biến cũng được nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thực phẩm không bị xâm nhiễm bởi vi khuẩn, ruồi, muỗi.
Khu vực bếp ăn tại các cơ sở giáo dục được xây dựng theo quy trình vận hành 1 chiều, chia thành các khu riêng biệt, gồm khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín.
Thức ăn không sử dụng hết được bảo quản trong tủ lạnh. Đồ dùng trong nhà bếp được trang bị đầy đủ, gồm nồi cơm đa năng, máy lọc nước, tủ đựng thức ăn chín, tủ lưu mẫu thực phẩm... Nhà trường cũng lắp đặt hệ thống cửa chắn ruồi, muỗi, hạn chế bụi và người ra vào khu chế biến thực phẩm.
Đặc biệt, hàng năm, các nhân viên nuôi dưỡng trên địa bàn Bắc Giang đều được tập huấn về an toàn thực phẩm, đảm bảo có trình độ nhất định về sơ chế, nấu ăn cho trẻ em; được khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo không mắc bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời, trong quá trình nấu ăn, thực hiện nghiêm vấn đề an toàn thực phẩm, từ khâu sơ chế, chế biến đến bảo quản, lưu mẫu, đảm bảo đúng theo quy định về thực hiện bếp ăn bán trú trong trường học.
"Chúng tôi yêu cầu nhà trường thành lập Tổ giám sát bán trú gồm Phó Hiệu trưởng phụ trách bán trú, giáo viên và đại diện phụ huynh học sinh kiểm tra, giám sát thường xuyên nguồn gốc thực phẩm, khâu vệ sinh, chất lượng bữa ăn cho học sinh. Nhà trường công khai thực đơn, khẩu phần ăn hằng ngày ngay tại lớp học để phụ huynh theo dõi", đại diện Sở GD&ĐT Bắc Giang cho hay.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, vấn đề nguyên liệu được quan tâm hàng đầu, đa số các cơ sở giáo dục đều lưu ý lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, có địa chỉ rõ ràng, được các cấp có thẩm quyền công nhận về chất lượng, tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm.
Một số cơ sở giáo dục cho biết riêng khâu tuyển chọn nguyên liệu được kiểm tra, đánh giá bằng cảm quan, các loại rau, củ phải đảm bảo tươi, xanh, không dập nát; các loại thịt cá tươi, ngon, không có mùi lạ; các loại sản phẩm đóng gói, đóng chai phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng.
Trong quá trình chế biến, nhà trường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc nhân viên nhà bếp thực hiện quy trình chế biến thực phẩm, đảm bảo thức ăn được nấu chín, an toàn.
Thực đơn được lên lịch theo tuần, theo mùa. Hằng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của đại diện nhà trường nên phụ huynh có thể yên tâm.
Hoàng Thanh
Vì sao học sinh ăn cánh gà rán lại ngộ độc?
Vi khuẩn gây ngộ độc hàng loạt salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ nào?
Salmonella nhiễm vào thực phẩm như thế nào?
Nghiện món vạn người mê, cụ bà bị kén sán ken đặc khắp cơ thể
Hà Nội tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phòng chống thuốc giả
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo cách chọn bánh trung thu an toàn
Chống thuốc và thực phẩm chức năng giả, cần sự đồng hành của người tiêu dùng
Mỳ xốt tôm chua cay bị Đài Loan trả lại để tiêu huỷ, chất Ethylene Oxide độc hại ra sao?
Mua mỹ phẩm ở chợ, bệnh nhân nhập viện cầu cứu bác sĩ
Theo các bác sĩ da liễu nhiều người tin tưởng lời quảng cáo mua mỹ phẩm về dùng dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã ra thông báo về Chương trình thu hồi sản phẩm kem Haagen dazs vị Vani của Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam.