Đà Nẵng chọn đầu rồng thời Lý cho cầu Rồng
Đà Nẵng chọn đầu rồng thời Lý cho cầu Rồng
>> Đà Nẵng "cãi nhau" to về cầu Rồng
>> Đà Nẵng: Cầu Rồng sẽ... phun lửa
Tại cuộc họp sáng 16/5, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Đà Nẵng đã "chốt" phương án thiết kế kiến trúc đầu rồng cho cây cầu Rồng bắc qua sông Hàn, chính thức khép lại cuộc tranh cãi kéo dài nhiều tháng nay.
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng trình bày cụ thể với Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phương án thiết kế đầu rồng cho cầu Rồng lấy cảm hứng từ hình tượng rồng thời Lý - Ảnh: HC |
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho hay, sau lần "cãi nhau to" ở cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Đà Nẵng ngày 15/3, ông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm về thiết kế kiến trúc đầu rồng cho cầu Rồng khiến ông... đâm lo. Vì vậy suốt 2 tháng qua ông đã đến nhiều bảo tàng trong cả nước để tìm kiếm các mẫu đầu rồng thực sự là rồng Việt Nam.
Qua đó ông nhận thấy rồng thời Lý rất phù hợp để chọn làm mẫu thiết kế đầu rồng nhằm đưa cầu Rồng trở thành tác phẩm mỹ thuật thực thụ phục vụ trang trí đô thị Đà Nẵng, vừa mang tính đương đại, thể hiện tinh thần mạnh mẽ của đất nước Việt Nam phát triển trong thế kỷ 21 nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá, nghệ thuật của dân tộc.
Theo ông, rồng thời Lý có đặc điểm cấu tạo khác hẳn các hình rồng thời trước hoặc cùng thời ở Trung Quốc (Hán, Đường, Tống). Đầu rồng thường ngẩng lên, không có sừng, miệng há to, mép trên không có mũi, kéo dài thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối. Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên, có khi răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên bao lấy viên ngọc...
Công trình cầu Rồng bắc qua sông Hàn đang được khẩn trương thi công, theo kế hoạch sẽ khánh thành vào dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng (29/3/2013) - Ảnh: HC |
"Rồng thời Lý toát lên sự mạnh mẽ song vẫn mang dáng dấp hiền hòa, mềm mại chứ không dữ dằn, đầy vẻ quyền lực vua chúa. Điều đó rất phù hợp với một đất nước đang trên đường hội nhập, giang tay chào đón bạn bè quốc tế. Đó cũng là cảm nhận mà chúng tôi đã mang vào khi thiết kế đầu rồng cho cầu Rồng. Mặt khác, chúng tôi vẫn "tuân thủ" theo khung kỹ thuật của một con rồng thép mà nhà thiết kế cầu đã triển khai, để không dẫn tới "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Và mô-típ này của đầu rồng tiếp tục được áp dụng cho đuôi rồng để tạo nên sự hài hoà!" - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cho hay.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cùng Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã trực tiếp xem xét mô hình đầu rồng và đuôi rồng này, hỏi cụ thể từng chi tiết để nghe nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng giải thích cặn kẽ. Sau đó, cả hai người đã hoàn toàn đồng tình với phương án kiến trúc vừa được trình Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP lần thứ 2, và chỉ nhắc nhở nhà thiết kế là "khi triển khai trên thực tế phải bảo đảm thật mềm mại chứ không được... bù lon, ốc vít quá!".
Đồng thời ông Nguyễn Bá Thanh cũng cho biết, lãnh đạo TP đã thống nhất chọn phương án đặt đầu rồng ở đầu cầu phía Đông. Như vậy là cả hai vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch Đà Nẵng hôm 15/3 đều đã được giải quyết ổn thoả. Và Đà Nẵng sẽ có một hình tượng rồng mạnh mẽ bay qua sông Hàn, vươn mình ra biển lớn!
Riêng phương án thiết kế điện chiếu sáng và chiếu sáng trang trí cầu Rồng, đặc biệt là hai hạng mục đầu rồng phun lửa và thân rồng toả khói, do Công ty điện tử Philips Việt Nam thực hiện vẫn chưa đạt được sự nhất trí của lãnh đạo Đà Nẵng nên sẽ phải trình bày lại trong cuộc họp lần sau.
HẢI CHÂU