"Cõng" vải thiều vào vùng đất đỏ cao nguyên, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng
Những năm gần đây, Đắk Lắk nổi tiếng là vùng vải có tiếng của Tây Nguyên. Nhiều người đã mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây trồng ngắn ngày, cây công nghiệp sang trồng vải và mang lại thu nhập lý tưởng.
Những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân ở Đắk Lắk lựa chọn để chuyển đổi cây trồng thay những vườn cà phê, tiêu kém năng suất. Và thật bất ngờ, cây vải trên đất Tây Nguyên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nơi đây.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây vải
Anh Lương Văn Hiệp (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng vải |
Gia đình anh Lương Văn Hiệp (SN 1971, thôn Giang Hà, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) là một trong những hộ trồng vải thiều u hồng chín sớm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cách đây 30 năm trước, anh Hiệp đã đến Đắk Lắk lập nghiệp. Ngay những ngày đầu mới đến lập nghiệp, nhìn thấy những vườn cà phê mênh mông trên vùng đất đỏ, anh Hiệp đã nghĩ có lẽ cây vải cũng sẽ hợp với thổ nhưỡng đất này.
Tuy nhiên, ý tưởng trồng xen canh cây vải thiều u hồng với cà phê mãi khoảng 15 năm sau đó anh Hiệp mới thực hiện được. "Khoảng 15 năm trước, tôi đã mạnh dạn phá bỏ 8 sào cà phê để trồng vải thiều u hồng chín sớm. Quyết tâm làm theo hướng mới, cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên trồng vải cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cà phê.
Năm nay, vườn vải của tôi ước đạt sản lượng khoảng 7 tấn quả, với mức giá hiện tại khoảng 32 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Chưa kể, sau khi thu hoạch xong, tôi còn tiến hành chiết cành để bán ra thị trường, với giá 30 nghìn đồng/cành. Hiện tại, tôi đang thử nghiệm trồng thêm giống vải thiều Thanh Hà - loại vải chín đúng mùa với vải miền Bắc”, anh Hiệp chia sẻ.
Nữ thanh niên xung phong "phủ" vườn đồi hàng trăm gốc vải thiều
Bà Nguyễn Thị Hiến thu hoạch vải. |
Sau khi tham gia thanh niên xung phong làm nhiệm vụ tiếp lương thực và tải đạn cho bộ đội tại biên giới Tây Bắc, năm 1980, bà Nguyễn Thị Hiến trở về địa phương. Năm 1999 bà Hiến theo chồng vào lập nghiệp, xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Ea Pil, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk)
Thời gian đầu mới đến, bà Hiến gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với tinh thần của nữ thanh niên xung phong: Không ngại khó, ngại khổ, ngoài trồng cây cà phê, bà bàn với chồng làm kinh tế với mô hình kết hợp VAC bằng cách đầu tư trồng cây ngắn ngày kết hợp chăn nuôi.
Nhờ chăn nuôi đạt hiệu quả nên mô hình kinh tế trang trại của bà Hiến ngày càng phát triển và mở rộng, mỗi năm thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Đến năm 2011, khi thấy một số người đưa cây vải từ Bắc vào trồng khá thích hợp thổ nhưỡng cho năng suất cao, bà Hiến cùng chồng vay thêm vốn đầu tư trồng 300 gốc vải u hồng, ngoài ra trồng thêm 200 gốc nhãn hương chi, rồi kết hợp đào hơn 1 sào ao thả cá và lấy nước tưới cho cây trồng.
Chỉ trong thời gian ngắn vợ chồng bà Hiến đã nắm vững phương thức canh tác cây vải, nhãn trên đất kém dinh dưỡng, áp dụng kỹ thuật điều khiển nhịp sinh trưởng của cây để phù hợp với thời tiết vùng Tây Nguyên.
Mùa vụ năm 2020, với 200 gốc vải và 150 gốc nhãn kinh doanh, gia đình bà Hiến thu hoạch hơn 10 tấn quả, được thương lái mua tại vườn với giá 20.000 đồng/kg nhãn và 30.000 đồng/kg vải, trừ chi phí và nhân công, gia đình bà thu lãi hàng trăm triệu đồng. Mô hình kinh tế VAC khép kín hiện mang lại cho gia đình bà Hiến tổng thu trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Đưa cây vải từ Bắc Giang vào Tây Nguyên lập nghiệp
Một trong những người thành công nhất về việc trồng vải ở huyện Ea Kar đó chính là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bình (thôn 10, xã Ea Sar). Khoảng 10 năm trước ông Bình từ quê Bắc Giang vào Đắk Lắk thăm họ hàng và phát hiện khí hậu tại Đắk Lắk phù hợp để trồng cây vải Lục Ngạn. Sau đó, ông cùng vợ đã quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Ban đầu, gia đình ông chỉ trồng khoảng 100 gốc vải u hồng cho thu hoạch năng suất cao, giá tốt. Ông Bình đã mạnh dạn mua, đầu tư trồng tổng cộng 9ha vải. Đến nay, có 7ha vải đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 15 - 20 tấn/ha. Với giá vải đầu mùa dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, gia đình ông lãi mỗi năm trên 1,8 tỷ đồng.
Ông Bình cho biết, vải của gia đình ông sau khi cắt được đóng thùng cẩn thận và chuyển thẳng xuống Chợ đầu mối tại TP.HCM để bán cho các tiểu thương, siêu thị. Ngoài ra, một số lượng vải lớn ông còn đem xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Bình, việc trồng vải ở Đắk Lắk có những điều khác hơn so với vả ở quê hương Bắc Giang của ông. Theo đó, năm nào thời tiết tại Đắk Lắk lạnh nhiều thì năm đó vải sẽ ra trái nhiều hơn, ngoài ra người trồng cần biết kỹ thuật chăm sóc như: bón phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tỉa cành, hãm cây (thắt kẽm ở thân cây) đúng thời điểm… sẽ đạt năng suất cao.
“Vải ở Đắk Lắk có ưu điểm lớn nhất đó là ra quả sớm hơn vải Lục Ngạn 1 tháng nên chúng tôi còn gọi đây là “vải sớm”, thị trường tiêu thụ rất mạnh, giá cả khá cao. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên giá thấp hơn những năm trước nhưng bù lại năng suất lại cao hơn nên vẫn thu được lãi”, ông Bình nói thêm.
Được biết, ngoài việc bán vải, gia đình ông Bình mỗi năm còn bán ra hơn 10.000 cây vải giống cho nông dân khắp Tây Nguyên. Trước việc trồng vải hiệu quả đã cải thiện kinh tế gia đình ông, giúp ông có thêm chi phí xây dựng nhà cửa, mua thêm đất đai để phát triển làm giàu.
Nguồn: báo Đắk Lắk