Có những dấu hiệu này, cần nghĩ đến căn bệnh ác tính rất phổ biến hay gặp ở người trẻ
3 năm trước, bà Nguyễn Thị H. 60 tuổi, quê Bắc Ninh thấy đi ngoài phân lỏng kèm mệt mỏi nhẹ. Ngoài biểu hiện này ra bệnh nhân không có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như không khó thở, không đau ngực, không sốt, mọi sinh hoạt vẫn gần như bình thường.
Bệnh nhân tự đi nội soi đại trực tràng kiểm tra định kỳ, kết quả đại tràng phải có tổn thương sùi vào lòng đại tràng. Qua tìm hiểu, gia đình đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai để khám và điều trị. Bệnh nhân vào viện ngày 10/04/2019.
Tại bệnh viện qua khám lâm sàng các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đi ngoài phân lỏng ngày 3-4 lần; không có nhầy hay máu, bụng không đau, bụng mềm, không chướng. Phổi cũng không thấy có dấu hiệu tràn dịch, tràn khí màng phổi, các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể cũng chưa thấy dấu hiệu bất thường.
Bệnh nhân được chỉ định nội soi đại tràng cho thấy khối sùi vào lòng đại tràng phải kích thước 2,1x1,8x1,9cm.
Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành bấm sinh thiết cho kết quả giải phẫu bệnh: Ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Xét nghiệm đột biến gen KRAS, BRAF(-). Bệnh nhân được chẩn đoán xác định: Ung thư biểu mô tuyến đại tràng phải, di căn hạch ổ bụng, di căn gan, phổi T3N1M1, BRAF, KRAS (-).
Đến nay sau 6 chu kỳ hóa trị, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, mệt mỏi, không đau, không sốt, không khó thở…
Theo GS. TS. Mai Trọng Khoa như vậy sau 6 chu kỳ hóa trị kết hợp Bevacizumab: Các tổn thương u nguyên phát, di căn hạch ổ bụng, nốt di căn phổi đã không còn, chất chỉ điểm khối u CA 19-9 giảm. Tuy nhiên tổn thương di căn gan vẫn tồn tại và kích thước tổn thương gan đã thuyên giảm còn 2x3cm.
“Hiện tại bệnh đáp ứng một phần. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp tục hóa trị 6 chu kỳ FolFox 4 phối hợp Bevacizumab”, GS. TS Mai Trọng Khoa thông tin.
Ung thư đại trực tràng là bệnh lý ác tính rất phổ biến, đứng thứ 5 về số ca mắc mới với xu hướng ngày càng gia tăng về tỉ lệ mắc. Khoảng 20-30% số bệnh nhân mới được chẩn đoán đã có di căn xa. Mặc dù có tỉ lệ di căn đáng kể, tỉ lệ sống 5 năm cho tất cả các giai đoạn của ung thư đại trực tràng đã được cải thiện nhiều trong 4 thập kỷ qua.
Đáng ngại là nếu như trước đây, ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, hiện tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong nhiều năm gần đây tăng nhanh ở giới trẻ. Tại Bệnh viện K căn bệnh này đã được chẩn đoán ở cả những bệnh nhân 20 tuổi.
Ung thư đại trực tràng có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, ở giai đoạn đầu tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới 90%; dưới 10% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn sống quá 5 năm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.
TS Phạm Văn Bình, Bệnh viện K cho biết, có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở Việt Nam được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Đáng lưu ý, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác.
Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, cần đặc biệt lưu ý đến ung thư đại trực tràng:
Rối loạn tiêu hoá: Ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.
Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần nên chú ý theo dõi.
Đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt: Có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.
Đi ngoài ra máu: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.
Giảm cân bất thường, mệt mỏi: Hầu hết các trường hợp mắc ung thư đều có dấu hiệu giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức.
N. Huyền