Chỉ chán ăn kéo dài sao lại có thể hoá ung thư?
BS. Hà Hải Nam (Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K) cho biết, trong số rất nhiều bệnh nhân đến gặp bác sĩ, gần đây có 1 trường hợp khá đặc biệt.
Bệnh nhân nữ ngoài 40 đến khám chỉ vì thấy chán ăn kéo dài. Trước đó vài tháng chị muốn giảm cân để có vóc dáng “eo dây” nên việc chán ăn cũng không khiến người phụ nữ này ái ngại.
Vậy là dù được nhiều người nhắc nhở nhưng suốt mấy tháng qua người phụ nữ này vẫn rất tự tin với cân nặng của mình. Cách đây vài ngày, chị giật mình sau khi bước lên cân. Trọng lượng cơ thể người phụ nữ ấy chỉ còn chưa tới 40kg, giảm 10kg so với trước đây mấy tháng.
Qua tìm hiểu, Bs Nam được biết, suốt gần 6 tháng qua, chị luôn trong trạng thái chán ăn, có ngày chỉ ăn một chút bánh và uống những viên thuốc vitamin tổng hợp, cộng thêm 1 cốc nước hoa quả, và hoàn toàn nói không với tinh bột trong suốt thời gian dài vì cứ nhìn thấy cơm canh là thấy lợm giọng.
Cho rằng đó là kết quả của việc ăn kiêng giữ dáng, cộng với công việc hàng ngày vất vả, chị không hề nghi ngờ gì.
Thế nhưng hơn 2 tuần gần đây, chị có cảm thấy buồn nôn và đau tức vùng thượng vị. Giống bao người khác, chị tự ra mua thuốc uống nhưng chỉ đỡ được thời gian ngắn rồi các triệu chứng lại xuất hiện dày đặc hơn. Tới lúc này, chị mới cuống cuồng đi khám.
“Tại bệnh viện, kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân có ổ loét lớn góc bờ cong nhỏ dạ dày nghi ngờ ác tính. Xét nghiệm máu cho thấy, chị đang trong tình trạng có thiếu máu mức độ trung bình. Điều này thể hiện rõ một thực tế: bệnh của chị có lẽ không còn ở giai đoạn sớm nữa”, BS Nam cho hay.
BS đề nghị bệnh nhân nhập viện sớm. Nhưng người phụ nữ này không tin vào kết quả. Đôi mắt đỏ hoe chị thẫn thờ hỏi lại bác sĩ: “Có chắc không? Chỉ là chán ăn thôi mà lại có thể thành ác tính được sao?”.
Theo BS Hải Nam, kết luận chính xác bệnh nhân sẽ được làm thêm sinh thiết dạ dày, tuy nhiên khả năng ung thư dạ dày với bệnh nhân khá lớn.
Ung thư dạ dày là 1 trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Mỗi năm, nước ta có hơn 17.000 ca mắc mới và hơn 15.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đáng báo động, hiện bệnh có dấu hiệu trẻ hóa khi nhiều trường hợp phát hiện ung thư chỉ mới ngoài 20 tuổi.
Bác sĩ Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa MEDLATEC, cho biết, qua thăm khám thực tế ghi nhận độ tuổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa ngày càng trẻ hóa.
Bệnh viện MEDLATEC đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23-24 tuổi, mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Đ.T.L. (25 tuổi, ở Hà Nội) uống rượu bia nhiều trong thời gian dài kết hợp chế độ ăn uống không hợp lí. Khi đi khám bệnh ở những tuyến dưới, anh L. không phát hiện ra bệnh.
Chỉ đến khi bệnh trở nặng, đi khám nội soi thì phát hiện ra viêm loét dạ dày nặng có chuyển biến xấu.
Các bác sĩ cho rằng nguyên nhân gia tăng bệnh nhân trẻ mắc ung thư dạ dày là do hiện nay, người trẻ tiếp xúc với yếu tố nguy cơ và tích lũy các yếu tố này sớm hơn, như uống rượu bia sớm, hút thuốc lá, ăn những đồ ăn nhanh (khoai tây chiên, đồ rán…).
Do đó, quá trình tích lũy, biến đổi xảy ra sớm hơn so với trước đây. Điều này sẽ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển sớm hơn so với tuổi.
Ngoài ra, theo BS Hải Nam, nhiều người làm việc ở văn phòng ngồi nhiều, ít vận động. Buổi tối, họ cũng dành thời gian thức khuya xem điện thoại, ti vi...
Việc đi ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng tới cơ thể, thay đổi nội tiết. Điều này khiến cho các phản ứng sinh hóa trong cơ thể không được diễn ra cân bằng, hoàn chỉnh dẫn tới biến đổi ADN, từ đó sinh ra ung thư.
Để phòng bệnh, BS Nam cho rằng các bạn trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích; tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lí, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E; có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lí, điều độ.
N. Huyền