Đất đấu giá Đông Anh gần 170 triệu đồng/m2, loạt dự án bất động sản bị thanh tra
Đất đấu giá ở Đông Anh gần 170 triệu đồng/m2
Mặc dù thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn thế nhưng, phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa đấu giá thành công với mức giá cao ngất ngưởng.
Theo đó, có 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 m2 đến 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 triệu đồng/m2 đến 69 triệu đồng/m2, tuỳ theo diện tích và vị trí. Bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.
Kết quả đấu giá cho thất, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2, tức là gấp hơn 2 lần giá khởi điểm; giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.Tổng giá trúng đấu giá thu về gần 409 tỷ đồng.
Tiếp sau cuộc đấu giá đất thành công này, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia cũng đã mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với các thửa đất trong ô đất LK5, LK6, LK7, LK8 thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất X7, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh.
Tài sản đấu giá gồm 27 lô đất có diện tích từ 113,74 - 218,54 m2. Giá khởi điểm dao động từ 58 - 64 triệu đồng/m2, bước giá 500.000 đồng/m2. Thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Thanh tra 10 dự án bất động sản ở Đồng Nai
Đoàn Thanh tra của Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ thanh tra trong 30 ngày đối với UBND tỉnh Đồng Nai, 3 huyện và 10 doanh nghiệp có dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường với 4 dự án ở các huyện, gồm Công ty CP Long Thành Riverside có dự án tại Thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), Công ty TNHH thương mại dịch vụ Quang Vinh có dự án tại xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), Công ty CP Đầu tư LDG có dự án tại xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) và Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An có dự án tại xã Long Đức (huyện Long Thành).
Thành phố Biên Hòa có 6 dự án của các chủ đầu tư bị thanh tra, bao gồm: Công ty CP Đầu tư Kinh doanh nhà Phước Thái, Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Phát cùng có các dự án tại phường Tam Phước; Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Long Hưng Phát, Công ty CP Southern Golden Land cùng có dự án tại xã Long Hưng.
Loạt dự án chậm tiến độ tại TP Đà Lạt
Kết quả kiểm tra, rà soát các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Lạt vừa được UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy; trong số 41 dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa đưa đất vào sử dụng có 4 dự án chưa sử dụng đất để triển khai do mới cấp chủ trương đầu tư, 2 dự án chưa sử dụng đất do có văn bản gia hạn tiến độ đầu tư và có tới 35 dự án chưa sử dụng đất do chậm tiến độ đầu tư.
Danh sách 35 dự án chậm tiến độ bao gồm: Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đồi Thống Nhất và dự án xây dựng khách sạn golf do Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công (thuộc TTC Group) làm chủ đầu tư.
Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí dã ngoại Sài Gòn - Đà Lạt của Công ty CP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Lâm Đồng; 2 dự án của Công ty CP dịch vụ du lịch Dalat Land gồm Khu trung tâm dịch vụ công cộng, khu khách sạn cao cấp và các khu công viên công cộng.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa của Công ty DV Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Hang Cọp của của Công ty CP Bất Động Sản Phú Gia Hưng; khu du lịch nghỉ dưỡng bán kiên cố - Tổ hợp khách sạn, căn hộ thương mại cao cấp Đà Lạt (Dalat Star Hill) do Công ty CP Đầu tư Song Kim làm chủ đầu tư; Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tâm Anh - Paradise của Công ty CP TV&ĐT Tâm Anh; dự án đầu tư tại Khu du lịch Tuyền Lâm của Công ty CP Du lịch Phúc và Công ty TNHH TM-DV Phương Nam Việt.
Khu căn hộ và dịch vụ tổng hợp Sun Garden Đà Lạt của Công ty CP quản lý đầu tư STC; Khu du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái Toàn Cầu của Công ty CP Đầu Tư và Du lịch Toàn Cầu; Khu du lịch Hồ Than Thở do Công ty TNHH Thùy Dương làm chủ đầu tư; Khu nhà ở thung lũng hoa Đà Lạt của Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Sài Gòn; Khu Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Đa Thiện của Công ty CP ĐT & KD Golf Long Thành...
Dừng điều chỉnh siêu dự án nghìn tỷ của 'chúa đảo' Tuần Châu ở Hà Nội
Đến năm 2021, sau hơn 10 năm xây dựng, ý tưởng biến vùng đất Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trở thành Hạ Long trên cạn chưa thành hiện thực, buộc chủ đầu tư phải xin điều chỉnh quy hoạch, đổi tên, mục tiêu đầu tư dự án theo hướng phát triển nhà ở thương mại.
Để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 vừa qua, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại bất ngờ có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chấp thuận dừng điều chỉnh dự án theo đề nghị của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội.
Trước đó, tháng 6/2021, chủ đầu tư dự án đã có văn bản đề xuất điều chỉnh dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội theo hướng tăng diện tích đất xây nhà ở thương mại, tăng tổng vốn đầu tư dự án từ 3.178 tỷ đồng lên 7.060 tỷ đồng.
Thảo Nguyên (t/h)