Rùa hai đầu tròn 25 tuổi và ngày sinh nhật đặc biệt ở Thụy Sĩ
Nhân viên Bảo tàng lịch sử tự nhiên Geneva (Thuỵ Sĩ) vừa tổ chức sinh nhật đặc biệt cho con rùa hai đầu Janus nổi tiếng thế giới tròn 25 tuổi.
Janus, một con rùa hai đầu, đặt theo tên của vị thần La Mã, sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Geneva từ năm 1997 đến nay.
Rùa hai đầu tròn 25 tuổi với lễ kỷ niệm đặc biệt ở Thụy Sĩ. |
Vì rùa Janus là một trường hợp hiếm thấy trong tự nhiên nên ngay từ khi mới chào đời, Janus đã thu hút nhiều sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới.
Nó có hai cái đầu, hai trái tim, hai lá phổi. Theo các chuyên gia, Janus rất khó sống sót trong tự nhiên. Nó không thể di chuyển cả hai đầu vào chiếc mai của mình để tránh kẻ săn mồi.
Angelica Bourgoin và cộng sự nhận việc chăm sóc rùa Janus trong Bảo tàng lịch sử tự nhiên Geneva, Thuỵ Sĩ. Hàng ngày, các nhân viên sẽ cho rùa hai đầu ăn salad hữu cơ, mát-xa và tắm hàng ngày, rồi đưa đi dạo thường xuyên. Bên cạnh đó, họ kiểm tra mắt, cổ, miếng dán ngực và khả năng di chuyển của nó hàng ngày,
"Tôi nghĩ rằng nhờ sự quan tâm, sự tận tâm hết lòng mà chúng tôi dành cho nó nên nó vẫn ở đây cho đến ngày hôm nay", Angelica Bourgoin chia sẻ.
Mặc dù nhiều động vật sinh ra với hai đầu thường chết yểu trong tự nhiên, Janus đã vượt qua mọi hoàn cảnh tiếp tục sống và được cho là cá thể lớn tuổi nhất trong hình dạng đặc biệt này.
Để bảo vệ chăm sóc cá thể quý hiếm, chế độ dành cho Janus rất nghiêm ngặt. Hàng ngày, rùa cần được tắm và chiếu tia cực tím hàng tuần, đặc biệt không hoạt động tình dục.
Năm 2020 là một năm khó khăn với Janus khi nó phải trải qua một ca mổ sỏi bàng quang đầy nguy hiểm. May mắn nó đã sống sót và phát triển khoẻ mạnh trở lại. Nhân viên giám sát Janus liên tục để đề phòng trường hợp người nó bị lật và không thể tự lật trở lại, dễ dẫn đến tử vong. Để ngăn hai đầu cọ sát vào nhau gây thương tích, các nhân viên phải thường xuyên kiểm tra định kỳ và bôi kem vaseline.
Điều thú vị là rùa Janus mang trong mình hai tính cách và đôi khi hai bên có xảy ra xung đột.
Bourgoin cho biết: "Đầu bên phải tò mò hơn, tỉnh táo hơn, có tính cách mạnh mẽ hơn nhiều. Trong khi đó, đầu bên trái thụ động hơn và thích ăn nhiều hơn".
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 25 của Janus, bảo tàng có tổ chức một buổi tiệc đặc biệt. Du khách có cơ hội tiếp xúc, chụp ảnh cùng Janus, tìm hiểu về rùa hai đầu có một không hai trên thế giới này.
Năm 2019, đội tuần tra rùa biển tình cờ phát hiện một cá thể rùa đột biến với hai đầu nằm trên cùng cơ thể ở đảo Hilton Head, bang South Carolina, Mỹ. Rùa có tên là Squirt & Crush, nguyên nhân khiến rùa có hội chứng nhiều hơn một đầu trên cùng cơ thể là do phôi thai phân chia không bình thường trong quá trình phát triển.
Năm 2014, một trường hợp rùa hai đầu hiếm gặp trên đảo Mabul, phía Đông Malaysia được phát hiện đã sống sót được tới ba tháng trong môi trường hoang dã.
Cuộc chiến tranh giành bạn tình hiếm thấy trong tự nhiên của rắn đuôi chuông
Người đi bộ đường dài ở Mỹ phát hiện hai con rắn đuôi chuông đực đang trong cuộc cạnh tranh tán tỉnh con rắn cái.
Hoàng Dung (lược dịch)