Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa: Giữ lạm phát dưới 4% chúng ta hoàn toàn có thể đạt được!
Đầu năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu lạm phát năm khoảng 4%, kể từ đó đến nay thị trường trong nước và thế giới có nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, dù giá lương thực thực phẩm, phân bón có tăng, nhưng không phải áp lực lớn với Việt Nam bởi chúng ta chủ động được các yếu tố căn bản.
Về năng lượng, chúng ta nhập siêu xăng dầu năm ngoái khoảng 7 tỷ USD, năm nay dự báo là khoảng 9-10 tỷ USD – con số cũng không phải quá lớn. Nói cách khác, chúng ta có một lượng xăng dầu trong nước để cung ứng ra thị trường nhằm hạn chế bớt được tác động từ bên ngoài.
Hơn nữa, ông Nghĩa cho rằng, NHNN kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo ngại rằng chúng ta sẽ “tứ bề thọ địch” mà chỉ “một bề” thôi: đó là chi phí đẩy.
“Chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Chúng ta cũng không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy. Vì vậy, tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% là có thể đạt được”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Còn ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn đang kiểm soát được diễn biến và đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ là phải kiểm soát được lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra 4%.
Để chung tay với Chính phủ trong việc kiểm soát giá, tránh hành vi "té nước theo mưa", theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương) cần đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo nguyên vật liệu cho các đơn vị sản xuất; nắm bắt được tình hình thị trường, trên cơ sở thực tế đó xây dựng chính sách quản lý điều hành về giá để tham mưu cho Chính phủ có những quyết định tốt nhất để ổn định giá cả.
Bên cạnh đó, ý thức của người tiêu dùng trong vấn đề ứng phó với giá cả, lạm phát cần được chuyển biến, lựa chọn những sản phẩm phù hợp, chúng ta đang sẵn có thay vì tìm các sản phẩm nhập khẩu…
Cuối cùng, ông Lê cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhất là trong lĩnh vực quản lý giá, làm sao để tất cả nơi sản xuất kinh doanh được niêm yết giá, loại trừ những tổ chức cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá, đầu cơ, găm hàng, tích trữ hàng dẫn đến khủng hoảng hàng cho người dân, nhất là trong thời gian vừa qua.
Theo chuyên gia, ý thức của người tiêu dùng trong vấn đề ứng phó với giá cả, lạm phát cần được chuyển biến, lựa chọn những sản phẩm phù hợp, chúng ta đang sẵn có thay vì tìm các sản phẩm nhập khẩu… |
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để có chương trình hành động trong việc kiểm soát lạm phát, chúng ta phải có đánh giá toàn diện, đâu là những yếu tố tiêu cực có thể đẩy lạm phát đi lên và đâu là yếu tố tích cực kéo lạm phát đi xuống.
Ông Nghĩa cho rằng, chúng ta hiện mới tính tác động của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, lương thực thực phẩm trong vài vòng. Điều này chưa đủ để bao quát vòng xoáy đằng sau đó – mà có thể còn sâu hơn, nặng hơn. Nhưng cần lưu ý đặc điểm của lạm phát chi phí đẩy là nếu làm cho chi phí tăng lên và sản xuất bị đình trệ, thì cung lại giảm. Lúc này vấn đề lại trở thành vừa có lạm phát cao, vừa đình trệ sản xuất.
Tuy nhiên, theo dõi biến động của chỉ số quản trị mua hàng mấy tháng gần đây, chỉ số này đang có xu hướng tăng tích cực. Điều này cho thấy nguồn cung khó có thể giảm và đang có xu hướng tăng khá nhanh. Điều này thấy rõ trong kết quả kinh tế quý 1.
Theo ông Nghĩa, một điều tích cực nữa là khi Việt Nam nhập khẩu lạm phát vào qua giá nhiên liệu và vật liệu đầu vào, đồng thời chúng ta là một nước xuất khẩu, nên xuất khẩu chính lạm phát đó ra. Do đó, số lạm phát giữ lại trong nước lớn nhất có thể nói nằm ở phân bón. Lạm phát từ toàn bộ nguyên vật liệu cho điện tử, dệt may đều đã được xuất trở lại bên ngoài. Việc chúng ta là một quốc gia nhập khẩu để xuất khẩu đã giúp giảm nhẹ lạm phát chi phí đẩy.
“Cuối cùng, kiểm soát cung tiền – chốt chặn quan trọng nhất, nếu NHNN và Chính phủ quyết tâm kiểm soát cung tiền, tôi tin rằng có 5-6 yếu tố trong đó có 2 yếu tố bất lợi nhưng có tới 4 yếu tố có lợi, thì mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Hiền Anh