Chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn rất chậm chạp
Thị trường lao động nông thôn có xu hướng bị già hóa do lao động di chuyển (đặc biệt là lao động trẻ, lao động nữ) từ khu vực nông thôn ra đô thị; cơ cấu lao động có sự chuyển động rất chậm; kết quả có sự tụt hậu đáng kể về thu nhập so với lao động khu vực thành thị và các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống con người.
Tại Hội thảo Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn do Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tổ chức gần đây, PGS. TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng nguyên nhân là phát triển kinh tế Việt nam chưa giải quyết tốt mối tương quan nông thôn - đô thị, không hướng về nông thôn; nông thôn đang gánh chịu các hệ lụy về sự giãn cách chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng việc làm và thu nhập so với cả nước và khu vực thành thị.
Các chính sách về thị trường lao động không hỗ trợ sự di chuyển lao động giữa nông thôn - đô thị, nên đa số lao động nông thôn di cư ra đô thị còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế tiếp cận.
Theo dự báo, Việt Nam đang ở vào thời kỳ chuyển giao giữa “cơ cấu dân số vàng” và "cơ cấu dân số già hóa", cho thấy tăng trưởng kinh tế có điều kiện dựa vào năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn - thành thị và cơ cấu nông nghiệp - phi nông nghiệp trong khu vực nông thôn; nông thôn vẫn bị sức ép về bố trí việc làm, đặc biệt nhóm thanh niên bước vào tuổi lao động vẫn cao nên vẫn cần phải thực hiện đồng thời chiến lược khuyến khích các ngành sử dụng nhiều lao động và hỗ trợ chuyển dịch lao động từ các ngành/nghề có NSLĐ thấp sang các ngành/nghề có NSLĐ cao; từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực chính thức, góp phần đạt được mục tiêu phát triển nông thôn mới.
![]() |
Theo thống kê, lực lượng lao động nông thôn tăng 0,29%, lực lượng lao động thành thị tăng 2,6%/năm, trong cùng thời kỳ 2010-2018. Chuyển dịch cơ cấu lực lượng lao động chậm hơn so với chuyển dịch của dân số. Đến năm 2018, tỷ lệ lao động nông thôn đạt ở mức cao, 67,81%, cao hơn một chút so với dân số nông thôn (64,77%).
Cơ cấu lực lượng lao động theo giới tính cho thấy, tỷ lệ nữ chiếm dưới 50% (47,7%). Nguyên nhân là do tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới cao hơn nữ giới.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nông thôn cao hơn thành thị và mức chênh lệch này khá lớn cho thấy nhu cầu việc làm của lao động nông thôn cao, và mặt khác, sự tụt hậu của các chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực nông thôn so với khu vực thành thị (cơ hội học tập bị hạn chế và mức tiền lương thấp nên phải đi làm nhiều).
Đến năm 2018, tỷ lệ tham gia lực lượng của lao động nông thôn đạt 80,48%, giảm nhẹ từ 80,95% năm 2010. Theo giới tính, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam cao hơn của nữ. Tuy nhiên, lao động nữ trong khu vực nông thôn cũng có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động rất cao, cao hơn cả lao động nam trong khu vực thành thị.
Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ tham gia lực lượng của lao động nông thôn trình độ đại học và sơ cấp lại cao nhất so với các nhóm trình độ còn lại.
Thời kỳ 2010-2018, tổng việc làm tăng 1,02%, đạt 54,022 triệu người. Việc làm của nông thôn tăng rất thấp, 0,33%/năm, đạt 36,799 triệu năm 2018, khu vực thành thị tăng nhanh, 2,7%/năm, đạt 17,222 triệu năm 2018, do tác động gia tăng cơ học, đặc biệt là dòng di dân nông thôn-thành thị.
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn -thành thị rất chậm chạp. Năm 2010, việc làm nông thôn chiếm 72,41%, giảm xuống còn 68,13%, song vẫn ở mức quá cao.
Chuyển dịch cơ cấu nội bộ của khu vực nông thôn nhanh hơn khu vực thành thị. Trong khu vực nông thôn, bình quân mỗi năm ngành nông nghiệp giảm gần 457,7 ngàn việc làm, phi nông nghiệp tăng được 577,7 ngàn việc làm, cho thấy, nông thôn góp vai trò quan trọng trong chuyển dịch việc làm nông nghiệp-phi nông nghiệp.
Trong thời gian từ 2010 đến nay, do tác động của tăng trưởng kinh tế nói chung và các chương trình phát triển kinh tế nông thôn nói riêng, lao động làm việc khu vực nông thôn cũng chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, với tỷ lệ lao động làm việc ngành nông lâm ngư nghiệp (NLN) đã giảm từ 62,12% năm 2010 còn 50,55% năm 2018, tốc độ giảm khoảng 2,2%/năm.
Gần 1/2 lao động còn lại trong khu vực nông thôn làm việc trong các ngành phi nông nghiệp. Các ngành truyền thống có tốc độ chuyển dịch lao động khá tôt, gồm:
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tăng khá nhanh (tăng 4,39%/năm), khiến cho tỷ trọng lao động làm việc trong ngành này cao thứ 2 (sau ngành NLN), tăng từ 12,29% lên 16,87%.
Tiếp đó là ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, có qui mô lao động tăng 3,42%/năm, khiến tỷ trọng lao động của ngành này tăng từ 8,3% lên 10,07%;
Lao động làm việc ngành xây dựng có tốc độ tăng cao nhất (gần 5%/năm), khiến cho tỷ trọng lao động ngành này tăng từ gần 6% lến 8,61%.
Tuy nhiên các ngành dịch vụ hiện đại như cung cấp điện, nước, thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng BHXH, kinh doanh bất động sản... mới chiếm một tỷ lệ rất thấp trong khu vực nông thôn. So với khu vực thành thị, lao động nông thôn còn bị bỏ xa về số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ cung cấp, đặc biệt là các hoạt động thiết yếu như giáo dục, y tế, hành chính công, ngân hàng, bảo hiểm...