Chén cơm lương thiện và nước mắt người thầy
Hình ảnh một đồng nghiệp ở Hải Dương bị bôi nhọ trong bài báo và đoạn video "Một thầy giáo ở Hải Dương dạy thêm ngay tại nhà" làm dậy sóng cộng đồng mạng suốt tuần qua càng khiến những người trong cuộc như chúng tôi nghẹn đắng. Chén cơm lương thiện của người thầy sao mặn chát!
Tôi nhớ về câu chuyện của tuần trước, khi gọi điện cho một chị bạn là giáo viên (GV) tiểu học vừa về hưu để nhắc chị đi họp mặt nhóm bạn. Chị trả lời hôm đó chị không đi được vì phải dạy thêm. Tôi đùa với chị là về hưu mà còn có học sinh để dạy là hay quá, và thời điểm này GV về hưu là sướng nhất.
Chị như được dịp tâm sự: “Chị dạy thay cho con gái. Nó ra trường mới ba năm. Lương cộng với 35% phụ cấp đứng lớp chỉ 3.350.000 đồng/tháng. Mấy hôm nay căng thẳng việc dạy thêm, nó định nghỉ nhưng phụ huynh nhờ cô dạy giúp vì về nhà các cháu chỉ bám ti vi và chơi game. Vừa có thu nhập, vừa là giải pháp an toàn cho con gái nên chị dạy thay cháu. Nó sắp lập gia đình, chồng tương lai cũng là GV tiểu học, không dạy thêm thì sống ra sao? Còn con cái nữa… Sao nghề của mình luôn ở thế bị triệt buộc vậy em?”.
Giống như chị, tôi là GV đã dạy học 30 năm. Những thăng trầm của nghề giáo đều đã trải qua. Những năm tháng đất nước còn khó khăn, người làm việc trong ngành giáo dục chịu nhiều thiệt thòi về lương bổng, đãi ngộ. Lúc ấy, ngoài giờ dạy, GV phải đạp xích lô, bán vé số, may găng tay, may áo thun, đan mây-tre-lá, bán sữa chua... mới đủ trang trải cho cuộc sống để có thể tiếp tục bám bục giảng.
Kinh tế đất nước phát triển, mọi người đều thấy việc học là quan trọng, gia đình lại ít con nên việc đầu tư cho chuyện học hành của con là lẽ đương nhiên. Có cầu thì có cung. GV được sống bằng chính nghề nghiệp của mình, không phải làm thêm những nghề tay trái, đôi khi gặp phụ huynh hay học sinh phải che mặt lại. Các nhà giáo ấy đã đổ mồ hôi, công sức để nhận lấy tiền công lao động qua việc dạy thêm; thế mà bị cấm. Thật đau lòng!
Có bất công với nhà giáo chúng tôi không? Khi một công nhân may sau giờ làm ở xí nghiệp có thể lãnh hàng để làm thêm kiếm tiền. Một anh thợ điện ngoài giờ làm ở công ty điện lực có thể treo bảng sửa chữa điện tại nhà để tăng thêm thu nhập… còn nhà giáo chúng tôi thì không.
Ngành nghề nào cũng có những người thiếu đạo đức, thiếu lương tâm. Nếu họ vi phạm nghiêm trọng thì xử lý theo pháp luật. Đừng vì một số người thiếu đạo đức, lương tâm nhà giáo mà làm tổn thương biết bao nhà giáo khác.
Khoảng những năm 1980 đến 1990, đời sống GV quá khó khăn. GV thiếu trầm trọng. Lúc ấy trường Trung học Sư phạm TP.HCM đã phải tuyển học sinh thi rớt đại học với số điểm quá thấp vào học hệ 12+1. Các phòng giáo dục-đào tạo quận/huyện đã tổ chức lớp sư phạm cấp tốc vài tháng để bổ sung cho ngành. Tôi nghĩ với cách giải quyết như hiện nay, thời kỳ ấy sẽ quay lại trong những năm học tới.
Thông tư 30 vừa qua đã làm tăng thêm nỗi khổ của GV tiểu học và việc cấm dạy thêm sẽ đè nặng lên vai người thầy các khoản cơm, áo, gạo tiền. Với sự đãi ngộ GV tiểu học như thế thì liệu có thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm? Liệu có bao nhiêu GV trẻ bám nghề khi đồng lương GV không đủ sống và không được kiếm thêm thu nhập từ ngành nghề của mình?
Lê Phương Trí/Nguồn PNO