Chăm sóc sức khỏe tâm lý cho người cao tuổi
Hoang tưởng sợ chồng con hại
Bà Nguyễn Thị C. (71 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức) được gia đình đưa vào khám tâm lý vì bà C. thường xuyên buồn bực, cáu gắt và có hiện tượng hoang tưởng.
Theo gia đình, bà C. ở riêng cùng với chồng, hai vợ chồng lại không hợp nhau nên dù tuổi già họ vẫn hay cãi cự. Con cái thường hướng bênh vực ba nên dẫn tới bà C. càng khó chịu. Lâu dần, bà sinh ra trầm cảm, mất ngủ, hay cáu.
Hiện tại, bà C. còn bị hoang tưởng luôn lo lắng mình bị bệnh tật và nghĩ con cái muốn đầu độc mẹ. Bà cũng có suy nghĩ chồng muốn giết mình nên tìm mọi cách khóa trái cửa không cho chồng, con tiếp cận.
Khi trò chuyện với bệnh nhân mới biết bản thân bà C. luôn thấy cô đơn vì con cái bận việc, cuối tuần lại đi nghỉ dưỡng, đi chơi với bạn bè mà quên cha mẹ, ít về trò chuyện với con cái hơn. Thi thoảng, con cái chỉ gọi điện hỏi một hai câu là dừng. Vì cô đơn, bà C. bắt đầu có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Bà trầm cảm nhưng không được con cái phát hiện mà nghĩ rằng bệnh người già nên không quan tâm.
Hay trường hợp của bệnh nhân khác L.H.K. (78 tuổi, ngụ tại Quận 9, TP. HCM) cũng được con đưa đến kiểm tra vì có bất thường tâm lý. Theo gia đình, bà K. ở một mình tại quận 9. Con cái bà ở bên quận 7 và quận 2. Mọi người cũng ít tới thăm đặc biệt là sau gần 2 năm dịch bệnh. Bà K. kiên quyết không tiêm vắc xin nên để phòng bệnh cho bà nên mọi người càng né.
Con cái né, bà K. nghĩ rằng con bỏ rơi mình và có suy nghĩ vô cùng tiêu cực. Bà nhắn tin cho con trai còn nói rằng mình sẽ ra sông Sài Gòn tự vẫn. Nghe thế, con trai bà K, vô cùng lo lắng. Anh phải đến động viên mẹ nhưng mỗi lần con về bà K. lại nghĩ rằng con đến đến nịnh và chiếm nhà của mẹ chứ không lo cho mẹ thật.
Vì luôn nghi ngờ con cái, bà K. còn cấm cửa cả con dâu. Con cái gửi biếu gì bà cũng không ăn vì sợ có độc. Việc động viên đưa bà đi kiểm tra sức khỏe vô cùng khó vì bà K. sợ con thuê người tiêm thuốc hại mình.
Bác sĩ cho rằng bà K. có hiện tượng rối loạn tâm thần ở dạng hoang tưởng bị hại.Nhiều lần bà lo lắng về việc mình bị người khác hại chết đặc biệt là chính con cái của mình.
Biện pháp giảm căng thẳng cho người già
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP. HCM cho biết tâm lý ở người cao tuổi hiện nay ít được quan tâm hơn. Nhiều gia đình cho rằng người cao tuổi có thay đổi là điều bình thường.
Bác sĩ Vũ cho biết sau hai năm đại dịch Covid-19 với các biện pháp ngăn chặn sự lây truyền dịch bệnh như giãn cách xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi của mỗi người và có thể dẫn đến rối loạn tâm lý, người cao tuổi cũng không ngoại lệ.
Theo bác sĩ Vũ, các dấu hiệu nhận biết thay đổi tâm lý ở người già: người bệnh có dấu hiệu bị suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, sẽ dễ trở nên lo lắng, tức giận, căng thẳng, kích động và thu mình hơn trong thời gian cách ly xã hội. Họ dễ trở nên cáu gắt, thích tranh cãi, lớn tiếng, hành vi bạo lực….
Nếu quan tâm hơn, con cái có thể nhận ra sự căng thẳng ngày càng tăng ở người thân nếu họ có vẻ sợ hãi vô cớ về những thứ khác ngoài dịch bệnh. Người bệnh có thể ngủ không ngon hoặc giảm sức tập trung so với trước đây, tình trạng bệnh mãn tính có thể trở nên tệ hơn hoặc họ có dấu hiệu gia tăng sử dụng rượu, thuốc lá hoặc các loại thuốc khác như thuốc giảm đau.
Một số dấu hiệu khác như mất hứng thú với những thứ trước kia từng thích, nhà cửa lộn xộn kém gọn gàng trong khi trước kia rất thích dọn dẹp, ít tắm hơn, quên uống thuốc.
Để người già không bị ảnh hưởng tâm lý, lo lắng thái quá, BS Vũ khuyến cáo gia đình nên tạo không khí vui vẻ đặc biệt là trò chuyện thường xuyên với họ. Bạn có thể khuyến khích cha mẹ già tham gia các hoạt động như đi dạo trong vườn nhà, tập thể dục nhẹ hoặc thiền. Các hoạt động thể chất có tác dụng tăng cường chức năng tế bào và giảm viêm ở người cao tuổi. Khuyến khích các cuộc nói chuyện, sẻ chia những vấn đề mà cả hai phía đều quan tâm và cảm giác của mỗi người.
Hướng dẫn người lớn tuổi cách trò chuyện video với người khác bằng điện thoại thông minh, máy tính xách tay hoặc máy tính bảng. Sử dụng các ứng dụng trên các thiết bị này để cung cấp phụ đề cho người lớn có vấn đề về thính giác. Khuyến khích bạn bè và gia đình bên ngoài gia đình của bạn gọi điện thoại thăm hỏi.
Giữ người lớn tuổi tham gia các hoạt động kết nối: Tạo các hoạt động gia đình như cùng xem qua và sắp xếp các bức ảnh và kỷ vật cũ cùng nhau, ôn lại những kỷ niệm hạnh phúc... Các hoạt động như nấu ăn cho gia đình hoặc chia sẻ những bài hát hoặc bộ phim yêu thích với những người thân trong gia đình cũng giúp người lớn tuổi vui vẻ hơn.
K.Chi