Cần xóa bỏ nạn bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng
Bắt nạt trên mạng gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí có thể gây chấn thương, ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm ở trẻ em.
Theo báo cáo của UNICEF, 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó, số thanh thiếu niên từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực chiếm 20%.
Cũng theo khảo sát này, 21% thanh thiếu niên Việt Nam là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và 75% thanh thiếu niên đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể trợ giúp khi bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.
Bắt nạt học đường và trên mạng gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, thậm chí có thể gây chấn thương, ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm dẫn tới tự sát.
Ảnh minh họa |
Để ngăn chặn vấn nạn này, tính đến năm 2020, tại ASEAN đã có 06 quốc gia xây dựng các kế hoạch bảo vệ trẻ em trực tuyến; 02 quốc gia đã triển khai các chương trình an toàn mạng tại trường học; 03 quốc gia đang lồng ghép chủ đề này vào chương trình học tại trường.
Tại Việt Nam, vào đầu tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830 phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Chương trình có mục tiêu kép: bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; đồng thời duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo.
Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đưa ra nhiều sáng kiến, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trong đó có thể kể đến như triển khai các giải pháp công nghệ mới, dữ liệu lớn… để thu thập, phân tích cảnh báo sớm, ngăn chặn, xử lý nội dung vi phạm pháp luật về trẻ, nội dung không phù hợp đối với trẻ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Qua đây, chương trình cũng sẽ thành lập và tổ chức hoạt động của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với các nhiệm vụ chính gồm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tiếp nhận, phân loại, chuyển xử lý kịp thời các phản ánh, vấn đề phát sinh đối với trẻ em trên môi trường mạng…
Hoàng Thanh