Cần giáo dục văn hóa ứng xử cụ thể, phù hợp từng cấp học
Giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục là giáo dục cho các em sự nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học.
Cùng với đó, giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho giáo viên, người học.
Vì thế, với mỗi lứa tuổi và mỗi cấp học yêu cầu về văn hóa ứng xử với người học lại khác nhau. Đối với cơ sở giáo dục mầm non thì giáo dục văn hóa ứng xử thể hiện trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong các chuyên đề lễ giáo, hoạt động giáo dục...
Những điều này góp phần để hình thành và phát triển ở trẻ em ý thức, hành vi ứng xử phù hợp với độ tuổi như lễ phép, kính trọng, yêu thương ông bà, cha mẹ, thầy, cô giáo; yêu quý anh, chị, em, bạn bè, thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu cái đẹp.
Ảnh minh họa |
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thì yêu cầu về văn hóa ứng xử lại khác. Ví như giáo dục văn hóa ứng xử trong các hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục phổ thông là lựa chọn các nội dung giáo dục văn hóa ứng xử, lối sống văn hóa có giá trị và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, tình cảm của học sinh.
Cùng với đó, giáo viên giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm để hình thành các phẩm chất nhân ái, tự trọng bản thân, tôn trọng, trách nhiệm với bạn bè, chia sẻ, bao dung của người học.
Để làm được điều đó các cơ sở giáo dục cần xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện nếp sống, thói quen văn minh, lịch sự đối với các chủ thể trong trường học, như: văn hóa xếp hàng nơi công cộng, triển khai nguyên tắc tự giáo dục (tự phục vụ) trong các hoạt động liên quan (thư viện, căng tin, trực nhật...).
Hoàng Thanh