Cần chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý cho người bị bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5%, trong đó bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và bệnh tim mạch khác (5,7%).
Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong tăng từ 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay. Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch và xơ vữa động mạch bao gồm: hút thuốc, thừa cân béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường...
Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là gánh nặng về bệnh lý tim mạch và xu hướng trẻ hóa ở những người trong độ tuổi lao động. Do đó, theo các chuyên gia y tế, bên cạnh việc dùng thuốc thì cách phòng ngừa bằng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp là rất quan trọng mà hiệu quả.
Cụ thể, người bị bệnh tim mạch cần hạn chế chất béo bão hòa, thường có trong các sản phẩm động vật. Không dùng các sản phẩm có chứa chất béo chuyển hóa. Khi sử dụng chất béo để nấu ăn hoặc nướng bánh, hãy lựa chọn các loại dầu có chất béo không bão hòa đơn, ví dụ như dầu ô liu, dầu đậu phộng hoặc chất béo không bão hòa đa như dầu đậu nành, ngô và hướng dương.
Một trong những điều quan trọng nhất là phải hạn chế cholesterol có trong thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao có thể làm tăng mức cholesterol trong máu. Tránh thực phẩm có đường và cần cắt giảm muối trong khẩu phần ăn. Chế độ ăn nhiều muối sẽ gây hại cho huyết áp. Thay vào đó, nên sử dụng các loại thảo mộc, gia vị để gia tăng hương vị thực phẩm.
Để kiểm soát lượng đường trong máu, đốt cháy chất béo hiệu quả và điều chỉnh mức cholesterol, tuyệt đối không bỏ bữa mà phải ăn đúng giờ, đúng bữa.
Những người bị bệnh tim mạch cần chú ý không hút thuốc lá và tránh đến nơi hút thuốc để hạn chế hít khói thuốc thụ động.
Cùng với chế độ ăn uống, người bị bệnh tim cần có lối sống khoa học, trong đó cần duy trì cân nặng lý tưởng, tránh căng thẳng, lo âu, stress. Bên cạnh đó, người bị bệnh tim mạch cần có chế độ tập luyện thể thao thích hợp. Việc vận động luyện tập thích hợp không những có lợi cho cơ thể mà còn làm giảm thiểu tác động của các bệnh tim mạch. Tập luyện thể thao phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình thay thế các tế bào cũ trong cơ thể, tiêu hao bớt chất béo, phòng chống béo phì, đồng thời tăng khả năng điều tiết của hệ tim mạch, ngăn chặn sự phát sinh và phát triển bệnh tim mạch. Chọn các môn thể thao phù hợp với điều kiện và sở thích như: đi bộ, chạy chậm, đạp xe, luyện khí công, thái cực quyền, bơi lội... Số lần tập từ 3 - 5 lần mỗi tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Lượng vận động cần phải tăng từ từ, không nên tập nặng ngay từ đầu. Bình thường khi tập luyện, nhịp tim sẽ tăng từ 110 - 120 lần/phút, không có các hiện tượng như chóng mặt, thở dốc, đau tim... Đồng thời sau khi ngừng tập luyện 5 - 10 phút, nhịp tim sẽ trở lại bình thường như trước khi vận động là cách luyện tập có hiệu quả nhất. Tập luyện nơi có ánh sáng mặt trời, không nên tập vào buổi sáng sớm quá lạnh, ẩm thấp và có nhiều sương mù. Không nên tập lúc no hoặc đói vì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc phòng bệnh bằng chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý thì những người đã mắc bệnh tim mạch cũng cần thường xuyên thăm khám, sử dụng thuốc đều chỉ định của bác sĩ để duy trì sức khỏe của bản thân. Những người có người thân trong gia đình mắc bệnh tim mạch thường dễ bị di truyền và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Trong trường hợp này, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh tim mạch như khó thở, tức ngực, hồi hộp... người bệnh cần đến các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán bệnh kịp thời.
Ngọc Yến