Các tiết học cần lồng ghép dạy học sinh kĩ năng sử dụng mạng internet an toàn
Hiện nay, internet phát triển đem lại nhiều lợi ích rộng mở, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của không gian mạng cũng ẩn chứa nhiều hệ lụy cho giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Chính bởi vậy, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng các trường học cần thường xuyên quan tâm, tuyên truyền và có những định hướng đúng đắn trong việc sử dụng internet cũng như mạng xã hội an toàn, để phát huy được mặt tích cực, tránh những thông tin xấu, độc gây hậu quả khó lường đối với học sinh.
Trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đã bắt đầu quan tâm, hướng dẫn học sinh cách sử dụng internet an toàn, tránh gặp phải những tình huống bất lợi, bị đánh cắp, lợi dụng hoặc bị bôi nhọ, lừa đảo trên mạng
Theo thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên nổi tiếng ở Hà Nội thì ngoài công tác giáo dục đào tạo, các nhà trường cũng thường xuyên quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp học sinh sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, văn minh.
Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, trẻ em cần được giáo dục kỹ năng quản lý cảm xúc và hành vi khi tham gia không gian mạng. Trong đó, trách nhiệm của gia đình và nhà trường là vô cùng quan trọng.
Thứ nhất, về phía gia đình, muốn dạy con hiệu quả thì mỗi phụ huynh cần là tấm gương cho trẻ, cần phê phán, lên án những hành vi trên mạng xã hội như chửi bới, vu khống, xúc phạm người khác thay vì tung hô, đùa cợt... Khi người lớn khước từ được những điều xấu xí do người lớn tạo ra thì thế hệ trẻ mới có môi trường phát triển toàn diện. Nên nhớ rằng hành động, đạo đức của đứa trẻ là tấm gương phản chiếu từ người lớn xung quanh.
Thứ hai, về phía nhà trường, các tiết học về tin học, đạo đức, giáo dục pháp luật, quốc phòng... cần được lồng ghép các bài học về ứng xử, quy tắc đạo đức, những kĩ năng sử dụng mạng xã hội (bảo mật, quyền riêng tư…), các tình huống cụ thể cần được đưa ra và hướng giải quyết là gì (mặt kĩ thuật với các nền tảng, mặt tâm lý ứng xử) trên không gian mạng.
Thứ ba, cốt lõi của việc giới trẻ đắm chìm vào không gian mạng là do chúng thiếu không gian đời thực, đó là sự tương tác của các thành viên trong gia đình, tương tác với bạn bè, thầy cô, thiếu trải nghiệm cuộc sống thực tế.
Các bậc cha mẹ vì mải mê với cuộc sống cơm áo gạo tiền mà quên đi tương tác với con cái. Vật chất không bao giờ thay thế được tình thương gia đình. Cha mẹ là người gần gũi nhất với con cái nhưng lại dễ dàng khước từ các ý kiến cá nhân của con cái nhất, thiếu sự lắng nghe, thiếu sự đồng cảm sẽ đẩy con cái mình tìm đến những người không thân thuộc trên không gian ảo.
Vì vậy con cái chúng ta cần phải được trải nghiệm thực tế nhiều hơn để hiểu giá trị của cuộc sống, của đồng tiền và biết tôn trọng người khác.
Hoàng Thanh