Tung clip nữ sinh cấp 2 bị bạn đánh, lột quần áo lên mạng xã hội là vi phạm Luật Trẻ em
Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip dài gần 4 phút quay lại cảnh một nữ sinh bị 2 bị bạn nữ khác đánh đập và lột áo quần.
Tại thời điểm xảy ra sự việc, có nhiều học sinh chứng kiến nhưng không tham gia can ngăn mà cười đùa, chửi tục và một số còn dùng điện thoại quay lại. Cụ thể, em L.T.T.H (lớp 8A) và V.H.A (lớp 9A) đã đánh em D.T (lớp 6A) rồi lột áo quần của em này. Khi H và A đánh D.T, có 8 học sinh khác, trong đó có 4 học sinh nam đứng vây quanh.
Được biết, sự việc diễn ra vào khoảng 16h ngày 8/11, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn thuộc phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, những học sinh này đang theo học tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Lương Thế Vinh, thị xã Quảng Trị. Nguyên nhân dẫn đến việc đánh nhau là do em D.T có quen biết một bạn nam học lớp 8 nên bị đàn chị đánh.
Sau khi sự việc được phát hiện, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Lương Thế Vinh đã họp khẩn, yêu cầu những học sinh liên quan đến vụ việc làm bản tường trình đồng thời trường đã báo với cơ quan công an, đề nghị phối hợp xử lý.
Hiện nay, những vụ việc học sinh đánh nhau rồi bị quay clip tung lên mạng xã hội đã không còn hiếm. Ngoài việc bức xúc trước những hành vi bạo lực học đường thì nhiều người cũng đặt ra câu hỏi: Hành vi quay clip rồi tung lên mạng có vi phạm pháp luật hay không, đặc biệt là luật bảo vệ trẻ em?
Trao đổi với phóng viên Infonet, luật sư Nguyễn Quốc Hưng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại Điều 6, Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: "Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.
Mặt khác, theo Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, tại Điều 36 có quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng thì: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em”.
“Như vậy, nếu trẻ em dưới 7 tuổi thì việc đăng tải thông tin, clip thuộc nhóm bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng xã hội sẽ không vi phạm pháp luật. Nhưng nếu đưa hình ảnh hay tung clip trẻ em đánh nhau từ 7 tuổi trở lên lên mạng xã hội phải có sự đồng ý của trẻ và cha mẹ, hoặc người giám hộ. Bởi đây là hành vi tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ. Nếu tự ý đăng tải mà không được sự đồng ý thì hành vi này là vi phạm pháp luật”, luật sư Quốc Hưng kết luận.
Luật sư cho biết thêm, Luật trẻ em năm 2016 quy định rất rõ về các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ 7 tuổi trở lên và của cha mẹ, người giám hộ là hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi hành vi “tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân” mà cụ thể là đưa hình ảnh trẻ em lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều vi phạm pháp luật. Chỉ khi những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Bộ Luật dân sự, Luật trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Nếu việc đăng tải hình ảnh trẻ em là vi phạm Luật trẻ em thì có thể xử lý theo các quy định của Bộ luật Dân sự, tức là yêu cầu bồi thường thiệt hại từ sự chứng minh hợp lý của người yêu cầu, xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi đăng tải hình ảnh trẻ em đã gây ra thiệt hại.
Việc xử lý đối với hành vi này không chỉ căn cứ vào quy định Luật trẻ em năm 2016, mà còn căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự... Có như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em mới được bảo đảm”, luật sư Quốc Hưng cho hay.
N. Huyền