Cư dân mạng thông thái cần làm gì để tránh 'bẫy' tin giả trên mạng xã hội?
Ngày 15/11, trên mạng xã hội lan truyền thông tin kèm video clip với nội dung hai thanh niên bắt cóc trẻ em ở phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân, TP.HCM) khiến nhiều người hoang mang.
Trong clip, một nam thanh niên quay tại con hẻm có nhiều người dân và cả công an rồi nói: “Bình Tân nha anh em, một đứa con nít bị bắt cóc luôn nha. Người ta đang check camera. Hai người vô mua, một người đứng đợi, một người hốt đứa con nít. Bắt mất tiêu luôn nha…”.
Tuy nhiên, Công an phường Bình Trị Đông A và người dân sống trong con hẻm cho biết thông tin bắt cóc trẻ em trong clip này là nhầm lẫn.
Theo thông tin từ cơ quan công an, bé trai 5 tuổi này sống với cha mẹ và bà nội trong căn nhà ở hẻm 344 đường Chiến Lược, phường Bình Trị Đông A. Vào tối 13/11, bé trai ở tầng trệt và chạy qua nhà người dì gần đó chơi trong khi ba mẹ ở trên lầu, bà nội ở phía sau bếp không biết.
Sau đó mọi người không thấy con thì hô hoán hàng xóm cùng tỏa đi tìm. Vào thời điểm này, bé trai được người dì chở đi mua bánh. Trong lúc này, ai đó đã quay một đoạn clip và đăng tải lên mạng xã hội với nội dung bắt cóc trẻ em. Đến khi công an xuống nắm tình hình thì đúng lúc người dì chở bé trai đi về.
Vụ việc trên phản ánh tình trạng đăng tin giả, tin chưa kiểm chứng khá phổ biến trên mạng xã hội. Đặc biệt, các tin giả này càng tăng mức độ ảnh hưởng khi cộng đồng mạng chia sẻ lan rộng.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề này, luật sư Mai Thảo – Phó giám đốc Công ty luật TAT Law Firm cho rằng: “Cư dân mạng khi theo dõi những thông tin chưa rõ thực hư thì không nên tin ngay, không chia sẻ và nên tự kiểm chứng từ các nguồn tin chính thống.
Ngoài ra, để mạng xã hội trở thành một môi trường lành mạnh, mỗi người khi tham gia mạng xã hội cần: Thứ nhất, sử dụng từ ngữ phải trong khuôn khổ, đúng chừng mực, có hành vi, cư xử văn minh, lịch sự và phù hợp, không xúc phạm người khác, không được làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
Thứ hai, cân nhắc về nội dung các bài viết, clip, livestream…. hay chia sẻ những thông tin có thể gây ảnh hưởng tới cá nhân, tổ chức khác, vi phạm quy định của pháp luật hoặc tuyên truyền những thông tin chưa được kiểm chứng.
Thứ ba, nên tin tưởng vào những nguồn tin chính thống, chỉ chia sẻ những thông tin tại các trang thông tin tin cậy, chia sẻ những thông tin tích cực, người tốt việc tốt, góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội an toàn, tích cực".
Dân gian ta có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để mọi người phải cẩn trọng với những gì mình phát ngôn. Do đó, hãy là một cư dân mạng thông thái, đừng dùng mạng xã hội với mục đích câu like, câu view mà hãy tận dụng và khai thác những lợi ích của mạng xã hội để mạng xã hội là cánh cửa kết nối với thế giới.
Theo luật sư Mai Thảo, trên thực tế, mọi người đã thấy mạng xã hội là ảo nhưng trách nhiệm và hệ quả để lại là thật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm khắc và không ai có quyền đứng trên pháp luật.
Hải Ngọc