Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trường học tại nhiều nơi chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi
Tình trạng bạo lực học đường làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội nên cần biện pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm.
Nhiều người cho rằng muốn đẩy lùi bạo lực học đường thì cần cụ thể hóa và thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
Có một thực tế là Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học được ban hành lâu nay nhưng vẫn chưa phát huy hết vai trò, hiệu quả. Văn hóa ứng xử học đường còn nhiều điều cần phải suy ngẫm. Có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng bạo lực học đường nhưng chắc chắn có một nguyên nhân là do chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh vẫn còn một khoảng trống.
Nhà trường tuy có quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, hành vi ứng xử văn hóa cho học sinh nhưng thực tế chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Để thực hiện tốt và hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học thì phải giáo dục mọi lúc, mọi nơi.
Khi nhà trường là một môi trường văn hóa chất lượng cao thì chắc chắn sẽ loại trừ được những biểu hiện văn hóa ứng xử không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào; thời lượng dành cho các môn Đạo đức, Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác đóng vai trò dạy làm người ở một số nơi còn bị xem nhẹ.
Ý tưởng xây dựng bộ quy tắc ứng xử học đường là tốt, bộ quy tắc được đưa xuống giới thiệu cho các cơ sở giáo dục là cần thiết nhưng vấn đề là ở cơ sở, bộ quy tắc này được triển khai thế nào.
Chúng ta mới chỉ để nó ở giai đoạn văn bản, cất ở ngăn bàn và không có cơ chế gì khuyến khích thực hiện, cũng không có đánh giá tổng kết hay rút kinh nghiệm.
Xây dựng một mô hình thì dễ nhưng triển khai thế nào ở cơ sở giáo dục để phát huy hiệu quả mới là vấn đề đáng nói. Dạy kiến thức có thể dễ nhưng dạy làm người mới là điều khó.
Hiện nay một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Ninh Bình là những đơn vị đi đầu trong xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường.
Đa số các địa phương đều cho rằng muốn phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử cần có hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử trong nhà trường.
Việc thực hiện Bộ quy tắc tạo nên những chuyển biến tích cực trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhất là khi đại bộ phận giáo viên đều ý thức về vai trò của mình trong việc nêu gương về nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, từ đó giúp các em biết trau dồi thêm về văn hóa, điều chỉnh trong cách ứng xử tạo nét đẹp văn hóa trong nhà trường.
Để thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, ngành Giáo dục cần chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh và học sinh về công tác xây dựng văn hóa và thực hiện văn hóa trong trường học.
Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, nội dung văn hóa ứng xử trong trường học bảo đảm dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Thực hiện giai đoạn II của Bộ quy tắc ứng xử, các địa phương đặt ra mục tiêu phấn đấu năm học 2020-2025 sẽ có 100% trường học xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch của UBND Thành phố đảm bảo phù hợp với điều kiện và đặc trưng của quận, huyện, thị xã và nhà trường.
Hằng năm, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Hoàng Thanh