Bố mẹ làm gì khi nhận thấy dấu hiệu bạo lực học đường qua mạng?
Các lớp học trực tuyến trở thành phương thức học phổ biến trong đại dịch Covid- 19 đối với hầu hết các cấp học, kéo theo sự chuyển đổi đó chính là các hình thức bạo lực học đường cũng chuyển sang bắt nạt trực tuyến.
Tại châu Âu, khoảng 44% trẻ em từ 10 đến 18 tuổi đã từng bị bắt nạt trên mạng cho biết, khi giãn cách xảy ra, bạo lực trên mạng còn diễn ra kinh khủng và nặng nề hơn.
Chuyên gia Lynda E. Bailey cho biết sở dĩ có học sinh tham gia bắt nạt bạn bè trên mạng là do các em cảm thấy chán nản, bế tắc khi phải ở trong nhà quá lâu, trong khi cha mẹ có thể không dành đủ thời gian cho các em khi họ cũng đang phải bận bịu làm việc từ xa.
Bố mẹ làm gì khi nhận thấy dấu hiệu bạo lực học đường qua mạng? |
Tại Hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục” đã được Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức vào đầu năm 2021 một thông tin đáng lo ngại nữa được đưa ra, cứ 1 trong 4 trẻ được khảo sát chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội. Cứ 1 trong 3 trẻ sử dụng mạng là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Vấn đề rất đáng lo ngại là Facebook, YouTube... hiện là môi trường hỗn độn mà ở đó người dùng rất khó phân biệt giữa cái tốt, cái thật với cái xấu, cái giả dối. Giữa rừng thông tin “ảo nhiều hơn thật”, liệu có bao nhiêu phần trăm người dùng nói chung và con trẻ nói riêng đã được trang bị một bộ lọc thông tin hữu hiệu?
Cảnh báo chung của các đại biểu đưa ra là “Chưa bao giờ việc tiếp cận trẻ em và có thể có động thái xâm hại trẻ em lại dễ dàng đến vậy”.
Vậy bắt nạt trực tuyến (bạo lực học đường qua mạng) giữa học sinh là gì? Theo một chuyên gia Hàn Quốc, tại đất nước có nền tảng kỹ thuật số và Internet mạnh mẽ này, về cơ bản, bắt nạt trên mạng giữa các học sinh có thể chia thành một số loại.
Bao gồm: Qua ứng dụng tin nhắn/ mạng xã hội; Cố tình sử dụng dung lượng data Internet (4G/5G) của nạn nhân; Cố tình ép nạn nhân phải chi trả cho các vật phẩm game mà kẻ bắt nạt muốn mua.
Trong đó, loại số 1 là loại bắt nạt phổ biến nhất khi nạn nhân bị thêm vào một số nhóm chat trực tuyến, không thể rời nhóm, mà chịu đựng lời mắng chửi, sỉ nhục bằng tin nhắn hoặc tin nhắn thoại từ những kẻ bắt nạt.
Các chuyên gia lo ngại rằng khi trẻ trở nên thông thạo sử dụng các mạng xã hội, mức độ bắt nạt và bạo lực sẽ càng gia tăng, nhất là khi thời gian giãn cách chấm dứt và mọi trẻ em được quay lại trường học.
Do đó, để phòng ngừa, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Để ngăn chặn, cần giải pháp tổng thể, bên cạnh hệ thống pháp luật thì nâng cao năng lực công nghệ số để kiểm soát, đồng thời nâng cao năng lực từ chính cha mẹ và chính các em khi tham gia thế giới mạng.
“Tùy vào độ tuổi và năng lực nhận biết theo độ tuổi mà cha mẹ có những định hướng để mở rộng dần cho các em tham gia không gian mạng. Đặc biệt, bố mẹ phải là tấm gương trong cuộc sống, những gì bố mẹ làm có tác động rất lớn tới tâm lý con trẻ”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Theo đó, để tận dụng điểm tốt của công nghệ, khi con trẻ chưa được trang bị bộ lọc cần thiết giữa một môi trường hỗn độn của thông tin, chúng ta – những bậc làm cha, làm mẹ – phải trở thành chiếc cầu nối giữa con và thế giới ảo.
Cha mẹ là bộ lọc chủ động lựa chọn những thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi để cung cấp cho con trẻ khi chúng đang chập chững bước vào đời. Cha mẹ nên hướng dẫn con dùng mạng Internet, điện thoại, máy tính vào các hoạt động bổ ích như nghiên cứu tài liệu, học tiếng Anh, học online…
Bố mẹ hãy trò chuyện với con mình nhiều hơn. Bố mẹ cũng cần kết bạn với con trên mạng xã hội, dành thời gian online với con. Ngoài ra, trẻ cần được sắp xếp thời gian cho việc đọc sách, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, chơi các môn thể thao vận động và làm các công việc nhà.
H. Anh