Bệnh viện tỉnh thực hiện được kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành qua da, người bệnh không phải chuyển tuyến trên
Sau 2 năm thực hiện triển khai kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành qua da đến nay Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện tỉnh Hải Dương đã làm chủ kỹ thuật khó này.
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Trong đó, hẹp và tắc động mạch vành là một trong những tai biến thường thấy đối với các bệnh nhân tim mạch.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nong và đặt stent động mạch vành.
Chụp và can thiệp động mạch vành qua da (hay nong động mạch vành) là một thủ thuật xâm lấn và có những nguy cơ nhất định của nó. Do đó, thủ thuật cần được tiến hành ở những cơ sở có đủ khả năng trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ tim mạch được đào tạo tốt.
Bệnh viện tỉnh Hải Dương đã cử nhiều lượt bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện tuyến trung ương như: Viện Tim mạch Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện E, 100% cán bộ y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật đã được đào tạo chuyên môn phù hợp, có khả năng triển khai kỹ thuật tại đơn vị. Đồng thời, bệnh viện cũng tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại chỗ do các chuyên gia đầu ngành từ các đơn vị này hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. |
Sau 2 năm thực hiện triển khai kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành qua da tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, đến nay Trung tâm Tim mạch đã làm chủ và đang phát huy hiệu quả kỹ thuật tại đơn vị.
Đã có nhiều bệnh nhân được chụp mạch và can thiệp tim mạch kịp thời, góp phần đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp người dân tỉnh Hải Dương được thụ hưởng những dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao, không phải lên tuyến trên, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, giảm chi phí về kinh tế.
Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch, đến nay đã có 470 bệnh nhân tim mạch được chụp mạch chẩn đoán, trong đó có 229 bệnh nhân được can thiệp đặt khung giá đỡ động mạch vành (stent), 5 trường hợp tái hẹp trong stent cũ được nong bóng phủ thuốc, 11 trường hợp đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu.
Và đặc biệt hơn, trong số 229 bệnh nhân được can thiệp đặt stent động mạch vành thành công có 125 trường hợp được chẩn đoán “nhồi máu cơ tim cấp” – đây là một bệnh lý rất nặng, cấp cứu tối khẩn cấp, nguy cơ tử vong rất cao.
Trước đây những trường hợp này bệnh nhân phải chuyển tuyến trên để can thiệp và điều trị. Tuy nhiên từ khi triển khai hệ thống máy chụp mạch DSA và thực hiện can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đem lại rất nhiều tiện ích cho người bệnh. Các bác sĩ tim mạch Bệnh viện tỉnh đã dần làm chủ kỹ thuật cao này.
Bác Vũ Văn Đ (83 tuổi) có tiền sử COPD – suy tim- tăng huyết áp điều trị thuốc không đều, vào viện lúc 7h ngày 31/7, trong tình trạng đau ngực trái dữ dội kèm khó thở, môi, đầu chi tím, da lạnh, nhịp tim nhanh, phổi có rale ẩm. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là tình trạng rất nặng, tiên lượng tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Ngay lập tức, bệnh viện đã tổ chức cấp cứu khẩn cấp, tổ chức hội chẩn chuyên môn và chuyển bệnh nhân lên phòng Can thiệp mạch để xử trí can thiệp. Kết quả chụp mạch vành bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy hẹp 80-90% LAD I, tác hoàn toàn LAD II.
Kíp can thiệp gồm bác sĩ CKI Phạm Vĩnh Thưởng, bác sĩ CKII Nguyễn Trung Tuấn và thạc sĩ Nguyễn Vũ Thắng đã thực hiện kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối và đặt stent động mạch vành tái thông dòng chảy cho mạch vành tưới máu cơ tim.
Tuy nhiên. do bệnh nhân vào viện trong tình trạng đã có shock tim, do đó tình trạng vẫn cỏn rất nặng, suy đa tạng cùng nhiều rối loạn về hô hấp tuần hoàn và chuyển hóa. Vì vậy ngay sau can thiệp bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực tiếp tục điều trị, tại đây bệnh nhân được hồi sức tích cực, lọc máu cấp kiểm soát hô hấp, tuần hoàn.
Kết quả, sau 5 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, các chỉ số sinh tồn trở về bình thường và đã được các bác sĩ cho ra viện sau hơn 1 tuần điều trị.
Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện can thiệp động mạch vành cấp cứu để cứu sống người bệnh nhồi máu cơ tim nguy kịch. Sau khi áp dụng kỹ thuật chụp và can thiệp mạch vành dưới sự hỗ trợ của hệ thống số hóa xóa nền DSA từ năm 2019, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã xử trí cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nhồi máu cơ tim, tận dụng ‘thời gian vàng” mạng lại sự sống cho người bệnh ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh, các trường hợp này trước kia phải chuyển lên tuyến trên thường lỡ mất giờ vàng cứu sống người bệnh hoặc để lại di chứng nặng nề.
Được biết, để thực hiện kỹ thuật khó này, Bệnh viện tỉnh Hải Dương đã chú trọng đào tạo đội ngũ y bác sĩ. Ngoài ra, bệnh viện cũng được trang thiết bị máy DSA tân tiến xếp hàng đầu trên cả nước và bắt đầu hoạt động từ tháng 12/2019. Đến nay kỹ thuật chụp và can thiệp động mạch vành đã đi vào hoạt động mang tính chất thường quy.
Việc thực hiện được kỹ thuật này đánh dấu bước phát triển mới của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tỉnh thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, vừa giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên, đặc biệt là tận dụng được “thời gian vàng trong bệnh lý nhồi máu cơ tim”, giúp giảm tỷ lệ tai biến và tử vong ở người bệnh.
H. Anh