Báo chí khơi dậy khát vọng một Việt Nam hùng cường
Báo chí thể hiện vai trò cung cấp thông tin chính xác
Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, báo chí cách mạng nước ta luôn là “binh chủng”, lực lượng đặc biệt xung kích trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Báo chí phản ánh sinh động thực tiễn công cuộc kháng chiến, kiến quốc, đổi mới và phát triển đất nước; phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới tạo nên các phong trào hành động cách mạng sôi nổi trên mọi lĩnh vực với nhiều thành tựu to lớn.
Trong mỗi thời kỳ, báo chí đều khẳng định vai trò của mình, nhất là trong bối cảnh hiện nay người dân sống trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội khiến thông tin trở nên phong phú, đa dạng, nhiều chiều.
Giữa bối cảnh này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, báo chí chính thống với những thông tin kịp thời, chính xác, trung thực, cần trở thành chỗ dựa vững chắc để công chúng lựa chọn, đặt niềm tin, sàng lọc với những thông tin đa dạng và không được kiểm chứng khác.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin, công chúng có nhiều nguồn thông tin để tiếp cận thì giữa một rừng thông tin như thế không phải thông tin nào cũng chính xác, chân thực. “Trong một rừng thông tin hỗn loạn đó, công chúng cũng rơi vào hoang mang, mất phương hướng và bị dẫn dắt bởi những thông tin không đúng, thông tin xấu độc, thậm chí cả thông tin phản động. Và báo chí chính thống, báo chí cách mạng nước ta đã và đang thể hiện vai trò cung cấp thông tin chính xác, chính thống giúp công chúng hiểu đúng, hiểu đủ bản chất vấn đề các sự kiện trong đời sống xã hội”, ông Lợi bày tỏ.
Thổi bùng khát vọng hùng cường
Với mục tiêu khơi dậy khát vọng hùng cường và hiện thực hoá ở Việt Nam mà Đảng đã đề ra, báo chí càng phải thể hiện vai trò to lớn. Bởi theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, tin tức từ báo chí có thể giúp hình thành nên môi trường tích cực (và ngược lại) đối với sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn đất nước ta đang nỗ lực xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc, thông tin từ báo chí, đặc biệt là những thông tin lan tỏa những thông điệp tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, giúp chúng ta củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết để xây dựng đất nước.
Do đó, ông kiến nghị báo chí cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để khơi dậy những khát vọng, giá trị Việt Nam, để biến những thông tin tích cực, có trách nhiệm của báo chí thành sức mạnh của toàn xã hội. Để tạo dựng niềm tin trong xã hội, thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường, ông Đỗ Đức Lợi thẳng thắn bày tỏ “báo chí cần phải nhìn lại, sửa mình”. Bởi thời gian qua, báo chí đã làm tốt vai trò cung cấp thông tin chính xác, định hướng dư luận, nhưng cần làm tốt hơn nữa để góp phần tạo dựng niềm tin trong xã hội.
Theo đó, báo chí cần khắc phục việc đưa quá nhiều nội dung tiêu cực chiếm sóng, chiếm thời lượng, chiếm diện tích quá lớn trên các đài phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử. “Rõ ràng xã hội chúng ta không phải nhiều mảng tối như vậy. Một xã hội đã đi lên có nhiều mảng sáng rất tốt nhưng báo chí ngại hoặc ít đưa, dành thời lượng, dung lượng trên mặt báo ít… mà điển hình là việc đưa những tấm gương tốt”, ông Lợi thẳng thắn chia sẻ.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí nên khôi phục lại những chuyên mục có tác động lan toả mạnh mẽ mà một thời tờ báo nào cũng “dành đất” như “Gương người tốt, việc tốt”, “lời hay, ý đẹp”....
Ông Lợi kiến nghị các cơ quan báo chí nên sắp xếp tỷ lệ 70/30, trong đó 70% là thông tin tích cực, 30% là phản biện đấu tranh các vấn đề tiêu cực. Nếu làm được điều này thì chắc chắn báo chí sẽ làm tốt vai trò tạo dựng niềm tin trong xã hội và thổi bùng lên khát vọng một Việt Nam hùng cường.
Báo chí có vai trò dẫn dắt nên việc báo chí dẫn dắt dư luận đến những điều tốt, việc tốt hay hơn nhiều việc dẫn dắt, đưa người dân đến những vấn đề tiêu cực, mảng tối làm cho đời sống tinh thần của xã hội u ám. |
Ngô Huyền