Phát huy vai trò báo chí chính thống, đẩy lùi thông tin xấu, độc trên môi trường mạng
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm 2021, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn gần 4.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục trên mạng xã hội, gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn |
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, chúng ta đang sống trong một bối cảnh xã hội mà ở đó với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, khiến thông tin trở nên phong phú, đa dạng, nhiều chiều.
Thay vì việc được thực hiện một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm, những người sử dụng mạng xã hội tự xem mình như những người đưa tin, thậm chí là những "nhà báo" để phổ biến tin tức, thậm chí là phán xét theo quan điểm riêng, mang tính cá nhân của mình. Chưa kể, việc đưa tin còn phụ thuộc vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có những mục đích xấu, tiêu cực, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức chung của xã hội.
“Thời gian vừa qua, tin giả (fake news) cũng bị nhiều quốc gia xem như một loại tội phạm. Do sự nhiễu loạn thông tin, niềm tin trong xã hội bị ảnh hưởng. Công chúng nhiều khi không biết đâu là thật, đâu là giả, ai nên tin và ai không nên tin.
Chính vì thế, báo chí chính thống càng phải đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều tiết nhận thức và dư luận xã hội. Báo chí chính thống với những thông tin kịp thời, chính xác, trung thực, cần trở thành chỗ dựa vững chắc để công chúng lựa chọn, đặt niềm tin, sàng lọc với những thông tin đa dạng và không được kiểm chứng khác”, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Trong bối cảnh đó, báo chí chính thống hơn lúc nào hết cần chú trọng tuyên truyền về mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt việc tốt, gương điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự phấn khởi, lạc quan trong xã hội, tạo động lực tinh thần thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.
Bổ sung thêm, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho rằng tin tức từ báo chí có thể giúp hình thành nên môi trường tích cực (và ngược lại) đối với sự phát triển chung của xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn đất nước ta đang nỗ lực xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc, thông tin từ báo chí, đặc biệt là những thông tin lan tỏa những thông điệp tích cực, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", giúp chúng ta củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết để xây dựng đất nước.
Báo chí có sứ mệnh cao cả là góp phần “khuyến thiện, diệt ác”, “phò chính, trừ tà”. Luật Báo chí 2016 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản, chủ yếu của báo chí là “Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến”. Do đó, PGS. TS Bùi Hoài Sơn kiến nghị báo chí cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để khơi dậy những khát vọng, giá trị Việt Nam, để biến những thông tin tích cực, có trách nhiệm của báo chí thành sức mạnh của toàn xã hội.
Việc nhà báo và các cơ quan báo chí chủ động, tích cực tuyên truyền về chủ đề người tốt, việc tốt cũng không ngoài mục đích góp phần “vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân” (Điều 1); “Nêu cao tinh thần nhân văn” (Điều 4) và thể hiện “lương tâm và trách nhiệm của người làm báo” (Điều 10) - đã được nêu ra tại “Những điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” năm 2016.
Được biết, đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” mà Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động vào đúng dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
N. Huyền