An Giang: Chỉ tiêu đạt 61 xã NTM giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt được
Xác định xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Tỉnh ủy An Giang đã luôn phát huy trí tuệ tập thể, đặc biệt là vai trò gương mẫu, nhiệt huyết của người đứng đầu, qua đó động viên, khích lệ cho cả hệ thống chính trị đồng bộ vào cuộc. Mỗi cán bộ từ xã đến các ấp, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đều là những tuyên truyền viên trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Điểm sáng với các mô hình tương trợ, chung tay của người dân
Một trong những mô hình hay tại An Giang chính là các quỹ vì người nghèo được chính địa phương xây dựng. Cụ thể, giai đoạn 2010-2019, quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đã vận động trên 1.375 tỷ đồng, giúp hỗ trợ cất mới và sửa chữa 31.187 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.
Với tấm lòng thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân đã giúp 95/119 xã đạt tiêu chí nhà ở dân cư trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, đồng thời kéo tỷ lệ nhà tạm trên địa bàn khu vực nông thôn hiện chỉ còn 1,14%.
Bên cạnh đó, với phương châm “Nuôi dưỡng sức dân, lấy sức dân để xây dựng NTM”, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động trên 102 tỷ đồng và hơn 11.000 ngày công lao động cho phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhờ các nguồn lực này người dân đã cùng với chính quyền địa phương cất mới, tu sửa cầu cống, đổ bê-tông hóa và rải cát chống lầy 1.185km lộ giao thông nông thôn, nạo vét hơn 970km kênh mương, cất và sửa chữa 349 căn nhà cho hội viên nông dân.
Đến nay, tất cả 119 xã có diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được tưới và tiêu nước chủ động, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh theo yêu cầu phòng chống thiên tai tại chỗ (100% số xã đạt tiêu chí 3 về thủy lợi).
Cũng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, giai đoạn 2010-2019, có 1.430 tuyến đường đã được đầu tư với chiều dài 2.733km; có 430 tuyến đường liên ấp (dài 693km), 350 tuyến đường dân sinh, nội bộ (dài 280km) và 544 tuyến đường trục chính nội đồng (dài 1.221km) được xây dựng.
Cùng với đó, 781 cây cầu giao thông nông thôn tại An Giang đã được "mọc" lên (gồm 385 cầu bê-tông cốt thép, 150 cầu treo, 195 cầu sắt và 51 cầu gỗ). Trên các tuyến kênh nội đồng đều được bắc cầu, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện, không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 5.518,4 tỷ đồng, đến nay có 81 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông (chiếm 68,07%).
Đáng chú ý, vối với tiêu chí 4 (điện nông thôn), hiện toàn tỉnh An Giang có 99 xã đạt chuẩn (tăng 80 xã so thời điểm năm 2011). Trong khi đó, 100% xã đạt tiêu chí 1 (lập quy hoạch), có 55 xã đạt tiêu chí 5 (trường học), 77 xã đạt tiêu chí 6 (cơ sở vật chất văn hóa), 106 xã đạt tiêu chí 7 (hạ tầng thương mại nông thôn), 119 xã đều đạt tiêu chí 8 (thông tin và truyền thông)…
Chỉ tiêu đạt 61 xã NTM giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt được
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh đã huy động tổng nguồn vốn gần 14.789 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm gần 19%, ngân sách địa phương 26,5%, vốn lồng ghép các chương trình, dự án chiếm 14,3%, vốn vay tín dụng 15,9%, vốn huy động từ doanh nghiệp 12,8%, vốn cộng đồng dân cư đóng góp chiếm gần 10%..
Nếu như năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 9,28% (theo chuẩn cũ) thì đến cuối năm 2018, giảm còn 3,67% (theo chuẩn đa chiều). Đến tháng 9/2019, có 84 xã đạt chuẩn NTM về tỷ lệ hộ nghèo, 114 xã đạt chuẩn về lao động việc làm, 79 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất, 94 xã đạt tiêu chí về giáo dục, 83 đạt tiêu chí về y tế.
Ngoài ra, 118 xã đạt chuẩn xã văn hóa, 71 xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm, 93 xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, 118/119 xã đạt chỉ tiêu xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành chỉ tiêu quốc phòng…
Những kết quả từ phong trào thi đua xây dựng NTM đã góp phần vào tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm của An Giang đạt 8,63%, giá trị tuyệt đối tăng thêm 8.640 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 147.200 tỷ đồng (gấp 1,69 lần so giai đoạn 2006-2010), thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 29,59 triệu đồng.
Giai đoạn 2016-2019, GRDP năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 4,47%, năm 2017 tăng 4,5%, năm 2018 tăng 6,52%, riêng năm 2019 khả năng đạt từ 7-8%), GRDP bình quân đầu người (2016-2018) khoảng 37,12 triệu đồng.
"Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, việc đặt chỉ tiêu đạt 61 xã NTM (hơn 51% số xã) đến năm 2020 bị xem là khá “nặng”, không dễ thực hiện. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm 2019, chỉ tiêu này có thể đạt được.
Điều đó cho thấy, nếu có quyết tâm, đồng lòng và giải pháp sáng tạo, không khó khăn nào là không thể vượt qua. Đó là niềm tin để tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 28 xã đạt chuẩn “Xã NTM” giai đoạn 2021-2025, đồng thời 100% xã đạt chuẩn giai đoạn 2010-2020 tiếp tục giữ vững tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định", ông Trần Anh Thư nói thêm.
Được biết, An Giang cũng đang phấn đấu có ít nhất 3 xã/huyện đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 75% số ấp trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí “Ấp NTM”; 2 đơn vị cấp huyện (Chợ Mới và Châu Thành) đạt chuẩn huyện NTM.
Mục tiêu xây dựng NTM của An Giang giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 65 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm, tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%...