'Ăn' đủ thứ bệnh vì làm dụng đau đâu tiêm đấy
Bệnh khớp là bệnh khá phổ biến, nhất là ở người trên 50 tuổi. Các chuyên gia cho rằng nếu lạm dụng đau đâu tiêm đấy bệnh nhân sẽ chịu nhiều biến chứng.
BV Việt Nam Uông Bí Thụy Điển Quảng Ninh vừa cấp cứu cho một bệnh nhân 70 tuổi, trú tại Hiệp Hòa - Quảng Yên - Quảng Ninh đến khám trong tình trạng cẳng tay trái sưng tấy, nề đỏ, có đầu mủ trắng.
Trước đó người bệnh bị đau cổ tay trái và tê bì bàn tay trái, đã được khám, chẩn đoán hội chứng ống cổ tay trái và được tiêm thuốc để điều trị ống cổ tay trái và được tiêm thuốc điều trị (Depo – Medrol) một lần tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Người bệnh được bác sĩ tư vấn cụ thể và hẹn tái khám theo lịch. Nhưng người bệnh không tuân thủ lịch hẹn của bác sĩ và do quá sốt ruột về tình trạng bệnh, người bệnh đã tự đến phòng khám tư để tiêm khớp nhiều lần.
Bên cạnh đó người bệnh còn đắp cây bèo tây vào cẳng tay, cổ tay trái với hi vọng tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện.
Tuy nhiên tình trạng đau xương khớp không được cải thiện mà vùng cẳng tay trái có biểu hiện sưng nề, tấy đỏ, có điểm rò dịch. Lúc này người bệnh mới đến bệnh viện khám và được chẩn đoán áp xe cẳng tay trái.
Người bệnh được nhập viện điều trị dùng kháng sinh, có chỉ định can thiệp ngoại khoa. Hiện tại sau đợt điều trị và can thiệp vết thương cổ tay trái của người bệnh đã khô, không sưng tấy đỏ.
Biến chứng vì tiêm vào khớp. |
Hay trường hợp của ông Nguyễn Mạnh Th. 71 tuổi, Hà Nam đi khám bệnh vì huyết áp tăng đã điều trị tuyến dưới nhưng không hạ áp. Bệnh nhân được bác sĩ cho làm các xét nghiệm. Kết quả chỉ số cortisol của bệnh nhân cao đột biến bác sĩ nghi ngờ do lạm dụng thuốc corticoid.
Bệnh nhân cho biết suốt 2 năm qua ông bị đau đầu gối, đi lại cũng khó khăn nên đã đi tiêm vào khớp. Mỗi lần tiêm xong, ông Th, thấy bệnh giảm, dễ chịu hơn. Người tiêm chỉ là người bán thuốc. Khi tiêm cho ông còn cam kết thuốc không gây viêm dạ dày nên mỗi tháng ông Th lại đi tiêm hai lần.
Bác sĩ chỉ ra rằng thói quen lạm dụng tiêm khớp đã khiến ông Th bị ngộ độc corticoid gây suy tuyến thượng thận. Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận đã khiến bệnh nhân huyết áp tăng kèm theo đường huyết cao.
Theo ThS. BSNT Trịnh Thị Nga - Chuyên khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện đa khoa Medtatec, thuốc giảm đau có nhiều loại bao gồm thuốc giảm đau chống viêm có Steroid (Corticoid) và loại không có Corticoid. Tất cả các loại này khi sử dụng đều có những tác dụng không mong muốn.
Cụ thể, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ viêm loét dạ dày, xuất huyết dưới da, phù, thay đổi hình dáng cơ thể (mặt tròn, béo bụng, tay chân teo, da mỏng….), suy tuyến thượng thận do thuốc … về lâu dài có thể gây loãng xương, đục thủy tinh thể, suy giảm hệ miễn dịch,…
Phần lớn, những loại thuốc này, người bệnh thường tự ý mua ở các hiệu thuốc và chưa được các bác sĩ chuyên khoa kê đơn. Một số khác thì tìm đến các “thầy lang” để được bốc thuốc. Nhưng họ không biết rằng, có một số thầy lang đã cho corticoid vào trong các thang thuốc để người bệnh sẽ nhanh chóng giảm đau và có cảm giác khỏe hơn, ăn ngon miệng hơn.
Nhưng khi đã dùng thuốc này, người bệnh rất dễ bị phụ thuộc và sẽ phải quay lại để lấy đơn mới. Nguy hại hơn, khi đã dùng thuốc này trong một thời gian dài sẽ khiến bệnh nhân “quen thuốc”, “phụ thuộc thuốc” dẫn đến kém đáp ứng với các phương pháp điều trị thuốc.
Cũng theo bác sĩ khi mắc bệnh cơ xương khớp, nhiều bệnh nhân được chữa đau khớp bằng cách tiêm vào khớp hoặc gân cơ. Đây là một phương pháp điều trị kinh điển. Tuy nhiên, mọi phương pháp điều trị đều có những nguy cơ riêng. Với tiêm khớp, khi chúng ta không đảm bảo vô khuẩn khi tiêm, vô tình chúng ta đưa vi khuẩn vào khớp- phần mềm, dẫn đến nhiềm trùng tại chỗ, áp xe. Bên cạnh đó, tiêm khớp – tiêm phần mềm không đúng chỉ định đúng phương pháp có thể gây tụ máu, đứt rách gân.
Ngoài ra, nếu tiêm corticoid nhiều lần cũng có thể gây các tác dụng phụ như tăng đường máu, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận do thuốc, đục thủy tinh thể, loãng xương, viêm loét dạ dày… Những trường hợp này điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đôi khi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
BS Trịnh Thị Nga cho rằng khi người bệnh có bệnh lý về xương khớp, nên đi kiểm tra chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc nếu như chưa được bác sĩ kê đơn. Trong trường hợp đã được bác sĩ kê đơn thì cần phải tuân thủ đúng theo đơn thuốc, không tự ý tăng liều, không tự ý bỏ thuốc và đến tái khám theo đúng lịch hẹn. Tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau hoặc thói quen “cứ đau là tiêm vào khớp”.
Khánh Chi