Yên Bái xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế, tiềm năng của từng địa phương
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đơn cử như tại huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu, dù là một trong hai địa bàn khó khăn nhất của Yên Bái, nhưng đến nay Trạm Tấu đã xây dựng được 8 sản phẩm OCOP 3 sao. Đáng chú ý, sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu và sản phẩm du lịch suối khoáng nóng Cường Hải là những sản phẩm điển hình.
Theo lãnh đạo huyện Trạm Tấu, kể từ khi sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ năm 2020 đến nay, giá trị sản phẩm được nâng cao và đã có mặt trên tất cả các tỉnh thành trong nước, người dân sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Để cây khoai sọ nương Trạm Tấu phát triển bền vững, huyện đã thành lập hợp tác xã kinh doanh sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp đỡ nông dân trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với đó, huyện còn thực hiện dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ năm 2021" với chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng khoai sọ.
Nhờ đó, cây khoai sọ nương Trạm Tấu đã từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ nương, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, bền vững với diện tích lớn như xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ...
Tận dụng lợi thế vùng hồ Thác Bà với nguồn thủy sản dồi dào, một số đơn vị, hợp tác xã tại huyện Yên Bình đã nhanh nhạy tạo ra các sản phẩm chế biến từ cá và hoàn thiện các thủ tục, quy trình để được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Với môi trường nước trong sạch tự nhiên, cá hồ Thác Bà có thịt trắng, không tanh và từ lâu đã trở thành một đặc sản của Yên Bái. Ngoài việc chế biến các món ăn thông thường, để tiện cho việc bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ rộng rãi, cá hồ Thác Bà được chế biến sấy khô thành các sản phẩm đa dạng như: cá rô lọc xương, cá mương, cá quả lọc xương, cá dúi…
Đến nay, đã có 6 sản phẩm cá hồ Thác Bà của huyện Yên Bình được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Con số này chưa dừng lại khi mới đây 4 sản phẩm gồm chả cá lăng sạch, giò cá lăng sạch, xúc xích cá lăng sạch và ruốc cá lăng sạch hồ Thác Bà của Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà đã đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp huyện và tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh trong thời gian tới.
Tại thành phố Yên Bái đã tích cực phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các xã, phường triển khai hỗ trợ cho các đơn vị chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.
Năm 2022, thành phố Yên Bái xây dựng kế hoạch phát triển thêm 6 sản phẩm OCOP, đến nay đã có 4/6 sản phẩm gồm: Cao xương ngựa bạch - Bạch Vương Vũ, cao dê Kiểu Oanh, tinh bột nghệ Tân Thịnh, cà chua an toàn Tuy Lộc đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Hai sản phẩm măng trúc tươi Yên Bái và nấm linh chi Minh Bảo đã tổ chức, đánh giá phân hạng cấp huyện và dự kiến được UBND tỉnh tổ chức đánh giá, công nhận trong tháng 12 này. Tính đến hết tháng 11/2022, TP Yên Bái có 14 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, 13 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 159 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 4 sao. Trong đó có 22 sản phẩm đạt 4 sao, 137 sản phẩm đạt 3 sao.
Phần lớn các sản phẩm được xây dựng dựa trên lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông sản đặc trưng các dân tộc như: gạo Séng cù Mường Lò, nếp Tú Lệ, thịt trâu sấy Nghĩa Lộ, cam sành Lục Yên, cá sấy hồ Thác Bà…
Dự kiến đến hết năm 2022, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức đợt 3 việc đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2022.
Theo ông Phạm Trung Lâm, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, Sở đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại. Nhờ đó, đã có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng tốt, thu nhập của người nông dân cũng từng bước ổn định và tăng lên.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Khôi Nguyên