Chương trình OCOP giúp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm của người dân Thủ đô
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang được thành phố Hà Nội triển khai rộng khắp trên địa bàn các quận, huyện. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP không chỉ giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm, mà còn giúp các chủ thể tham gia có thêm cơ hội nâng cao thu nhập.
Đơn cử, sản phẩm trứng mang nhãn hiệu “Trứng gà sạch Cường Hương” của gia đình anh Lê Văn Cường ở thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã được thành phố đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao cách đây hai năm.
Với quy mô 5.000m2, hoạt động theo tiêu chuẩn VietGAP; gà đẻ trứng được chăm sóc hoàn toàn theo phương pháp sinh học, tất cả gà nuôi đều được uống rượu tỏi 2 lần mỗi tuần để phòng bệnh, tăng sức đề kháng.
Nhờ đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm đã tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng nên lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 18.000 quả trứng, trang trại gà đẻ trứng của anh Cường vẫn đang tiếp tục mở rộng phân phối ra các siêu thị, bếp ăn tập thể.
Hay như trang trại chăn nuôi vịt và cá của anh Lê Văn Trẻo ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai nói không với việc sử dụng kháng sinh, đàn vịt được tiêm phòng theo quy định, khẩu phần ăn còn được trộn thêm men vi sinh giúp nâng cao chất lượng trứng vịt.
Với quy mô 10ha sản xuất theo mô hình khép kín, ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi, trang trại của anh Trẻo mỗi năm bán ra thị trường hơn 4 triệu quả trứng và gần 100 tấn cá các loại, thu lãi hơn 700 triệu đồng.
Sản phẩm “Trứng vịt Liên Châu” của gia đình anh Trẻo được thành phố Hà Nội cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Không chỉ có các sản phẩm ở huyện, nhiều sản phẩm ở quận nội thành như đào, quất Nhật Tân, trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè… là các sản phẩm đã được các chủ thể lựa chọn dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của thành phố.
Quận Hoàn Kiếm là quận tiên phong trong việc tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, năm 2021, quận có 8 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, sang năm 2022 này, có 6 sản phẩm dự thi, trong đó có 3 sản phẩm được chấm 3 sao, 3 sản phẩm được chấm 4 sao.
Một số sản phẩm như bún ốc nguội Bà Ngoại, bánh tôm Bà Ngoại, ốc hấp đèn lồng Bà Ngoại (chủ thể là bà Nguyễn Thị Hiền, hộ kinh doanh ẩm thực bún ốc Bà Ngoại, phường Quảng An); quất mộc căn Xuân Lộc (chủ thể là ông Nguyễn Xuân Lộc, hộ kinh doanh quất cảnh Xuân Lộc, phường Tứ Liên)... đều đã được chấm 4 sao.
Theo ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, thời gian qua, các quận cũng đã tham gia chương trình OCOP một cách bài bản, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các sản phẩm OCOP của quận là sản phẩm của cộng đồng, kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử.
Ông Ngôn cho rằng, quận Tây Hồ, quận Hoàn Kiếm… là các quận có phố đi bộ và các hoạt động du lịch rất phát triển nên có thể kết nối du lịch văn hóa gắn với các sản phẩm OCOP.
Hay tại quận Hoàng Mai, năm 2021, quận có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP; sang năm 2022 này, tiếp tục có thêm 6 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến hết năm 2021, thành phố đã có 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm OCOP ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, chiếm 65%, là những sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Hiện tại, Hà Nội đang tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP qua các vòng thi. Thành phố phấn đấu trong năm 2022 sẽ có thêm hơn 400 sản phẩm được đánh giá, công nhận OCOP.
Đồng hành với các chủ thể trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thành phố Hà Nội đã phát triển 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng và du khách khi đến Thủ đô.
Khôi Nguyên