Doanh nghiệp chia sẻ ‘bí quyết’ để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
Chia sẻ với PV Infonet, bà Hoàng Thị Thùy Linh, phụ trách kết nối đầu ra cho sản phẩm Công ty CP Thực phẩm DBFood ở TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cho biết: DBFood có 3 dòng sản phẩm chủ lực gồm bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên - ăn kiêng, bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên – vị mặn, bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên - vị ngọt đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nhờ sản phẩm chất lượng, độc đáo và đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao từ năm 2020.
“Đây là những sản phẩm đầu tiên của công ty đạt chứng nhận OCOP. Chúng tôi khá may mắn khi từ đầu đến cuối đều được Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở tỉnh hỗ trợ rất nhiều. Quá trình làm hồ sơ chấm OCOP cũng được các Sở hỗ trợ mời các chuyên gia tư vấn về hỗ trợ để đi đúng hướng”, bà Linh nói.
Cùng với đó, toàn bộ nhân viên của công ty đều được học và thi về Luật An toàn thực phẩm. Máy móc, thiết bị dây chuyền cũng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn; công ty cũng phải đạt được chứng nhận kiểm định ISO mới đạt được chứng nhận OCOP.
“Chương trình OCOP hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp làm về nông sản, thế nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí của OCOP cũng rất chặt chẽ và gắt gao; vì thế để sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP phải làm thật, làm sạch và làm chuẩn. Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều không sử dụng chất bảo quản, không sử dụng hương liệu tổng hợp và không sử dụng chất chống đông vón; sản phẩm đều theo tiêu chí xanh, sạch và khỏe.
Doanh nghiệp của chúng tôi cũng là thương hiệu mới nên khi giới thiệu đến các khách hàng về sản phẩm đạt OCOP 4 sao của tỉnh thì độ tin tưởng về chất lượng sản phẩm của khách hàng với sản phẩm tăng lên rất nhiều”, bà Linh tiết lộ.
Cũng theo bà Linh, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nên những doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt OCOP và những sản phẩm đang trong quá trình tham gia OCOP đều được Sở hỗ trợ tham gia các chương trình hội chợ OCOP để giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, quá trình đó đều có cán bộ của Sở dẫn doanh nghiệp tham gia là bước đệm rất lớn giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiếp cận khách hàng được nhiều hơn.
Từ cuối năm 2019, Công ty DBFood đã bắt đầu được tham gia hội chợ ở Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ….
“Các sản phẩm bột sữa gạo lứt của chúng tôi đều được người tiêu dùng ưa chuộng; trong đó bột sữa gạo lứt sinh thái Điện Biên vị ăn kiêng và vị ngọt được lựa chọn nhiều nhất; đặc biệt là vị ăn kiêng khi lượng người mắc tiểu đường nhiều hay những người có nhu cầu giảm cân, giữ dáng đều thích loại không đường.
Năm nay, chúng tôi có sản phẩm bột sữa gạo lứt trà hoa vàng và 3 dòng trà là trà gạo lứt hữu cơ lá chùm ngây, trà gạo lứt hữu cơ đông trùng hạ thảo và trà gạo lứt hoa bách hợp là các sản phẩm đã được thành phố Phúc Yên chấm đạt OCOP 3 sao và đang đề xuất lên tỉnh Vĩnh Phúc để đạt 4 sao”, bà Linh cho biết thêm.
Sau gần 4 năm triển khai trương chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 61 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 45 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Ngoài 61 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh, mới đây, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh đã tổ chức hội nghị xét chọn ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP năm 2022. Dự kiến trong tháng 12 này, sẽ có trên 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.
Với mong muốn đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng, trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã dành nhiều sự quan tâm hỗ trợ các chủ thể trong giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Theo đó, ngoài việc đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh đi tham dự các hội chợ, Festival sản phẩm OCOP tại các nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước; việc tổ chức các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng đã được quan tâm triển khai.
Khôi Nguyên