Xã có mật độ dân số cao nhất cả nước phát triển kinh tế biển
Đó là xã Ngư Lộc (hay gọi tên khác từ xưa là làng Diêm Phố), huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) là một trong 5 xã ven biển của huyện Hậu Lộc được nhiều người trên mọi miền tổ quốc biết đến.
Là xã ven biển có diện tích 0,46km2 với hơn 18.000 nghìn dân, mật độ dân số hơn 39.000 người/km2 và cũng được xem là xã có mật độ dân số thuộc hàng cao nhất Việt Nam. Xã Ngư Lộc cũng là xã hiếm hoi không có đất sản xuất nông nghiệp.
Về xã Ngư Lộc đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà san sát nhau, con đường dẫn vào trung tâm xã vòng vèo, những con ngõ, ngách nhỏ quanh co, lẩn quẩn (có nơi rộng chỉ 1-1,5m) khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Từ bao đời nay người dân Ngư Lộc sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được xem là nghề cha truyền con nối từ đời này sang đời khác với hơn 85% hộ dân làm nghề đánh bắt hải sản ...Theo thống kê của UBND xã tính đến hết tháng 10/2022, toàn xã Ngư Lộc có 307 phương tiện nghề cá (trong đó có 52 phương tiện nghề câu, 255 phương tiện nghề giã. Số tàu cá dài trên 15m là 145 phương tiện) với tổng số lao động nghề cá là 2.541 người (tính trung bình cứ hơn 10 hộ dân thì có 1 tàu đánh bắt hải sản)
Trước khi chuyển hẳn sang nghề biển Ngư Lộc (Diêm Phố xưa) là làng hỗn canh, nhưng sau này do sự biến động của tự nhiên khiến cho đất sản xuất của làng bị xâm thực và nhiễm mặn đã không cho phép người dân nơi đây trồng trọt, làm nghề muối, nuôi trồng như các xã ven biển lân cận. Bên cạnh đó điều kiện tự nhiên lại ưu đãi cho người dân nơi đây nghề đánh bắt và khai thác hải sản. Không những thế nơi đây có một ngư trường rộng lớn và phong phú về các loài hải sản.
Tàu thuyền neo đậu ở bến thì được Đảo Nẹ là lá chắn, che chở cho thuyền bè an toàn mỗi khi có mưa to, gió lớn hay bão lũ. Cũng chính vì thế người dân Ngư Lộc đã xác định đời sống kinh tế của dân là sống với biển và làm nghề đánh bắt cá trên biển, hậu cần nghề cá...
Theo ghi nhận của PV, dọc bờ đê biển là những ngôi nhà san sát nhau, những xưởng chế biến thu mua hải sản đang có hàng trăm người ở các độ tuổi khác nhau làm các công việc như bóc tôm, làm cá, nướng cá...bên ngoài bờ biển có hàng chục người phụ nữ đang đợi những chuyến tàu, bè cập bến để vận chuyển cá lên các xe tải chờ sẵn để bốc hàng, mang vác đá xuống tàu, đưa dầu, nước...để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cũng theo tìm hiểu của PV, trước đây, để phục vụ cho việc đi lại, khai thác thủy sản, ngư dân Ngư Lộc thường dùng 2 loại phương tiện chính là thuyền, bè mảng. Mãi về sau khi nhu cầu đánh bắt xa bờ để có nguồn cá lớn, hải sản nhiều hơn nhiều tàu cá lớn được đóng mới để phục vụ cho nhu cầu khai thác, đánh bắt ở 2 ngư trường chính là ven bờ (lộng) và ngoài biển (khơi).
Chính quyền địa phương cũng cho biết hiện nay ở địa phương phát triển chủ yếu các nghề sửa chữa đóng thuyền bè. Các nghề khai thác hải sản bao gồm: đánh bắt vùng lộng, nghề văng tay, nghề sẻo, nghề gõ gai, nghề lưới rênh, đbắt vùng khơi, nghề giã cá, giã moi, giã tôm...Chế biến hải sản (cá khô, mắm chua, mắm tôm, nước mắm...) và dịch vụ hậu cần nghề cá.
UBND xã Ngư Lộc cũng cho biết thêm: Trong 10 tháng đầu năm dự tính tổng giá trị thu nhập thủy sản của toàn xã ước đạt 353tỷ ( 87.2% KH). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 44 triệu đồng/người (cả năm 49 triệu đồng/ người).
Hiện nay chính quyền địa phương vẫn đang tích cực tuyên truyền cho các chủ tàu cá và ngư dân lao động chủ động tham gia công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn đảm bảo cho người và phương tiện khi khai thác thủy sản. Thực hiện nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đảm bảo VSATTP trên tàu cá cũng như chế biến...
Trần Nghị