Hà Tĩnh:Ngư dân đóng thuyền bằng chất liệu mới, giảm đáng kể chi phí đi biển
Năm 1987, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Hoàng Văn Hoàn (SN 1965, trú tại thôn Yên Ngư, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tiếp tục nối nghiệp gia đình, hành nghề đi biển để kiếm sống.
Lúc này, ngư dân trong vùng đang sử dụng loại thuyền được làm bằng nan tre quét nhựa đường nên dễ bị nước vào, thường xuyên phải múc ra, nếu không sẽ bị chìm, gây nguy hiểm trong quá trình ra khơi và khó khăn, trở ngại cho công việc đánh bắt cá.
Có những hôm bận việc, ông neo thuyền ngoài biển, khi trở lại thì thuyền đã bị chìm do nước thấm vào. Từ đó vị cán bộ thôn nảy sinh ý nghĩ phải tìm kiếm vật liệu khác để thay thế.
Sau nhiều năm trăn trở, cái duyên đã tự tìm đến với ông Hoàn. Trong một lần đi họp, ông nghe tin nhà nước sẽ hỗ trợ các hộ dân chăn nuôi trong vùng làm hố gas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua giới thiệu, bể biogas này được làm bằng nhựa Composite, trọng lượng nhẹ, không thẩm thấu nước, chống va đập tốt… nên ông nghĩ ngay đến việc ứng dụng vào việc chế tạo vỏ thuyền.
Kề từ đó, ông Hoàn ngày đêm trông ngóng được tận mắt chứng kiến loại vật liệu mà mình hằng ấp ủ. Khi kế hoạch được triển khai, ông Hoàn đã trực tiếp gặp cán bộ kỹ thuật, đề xuất ý tưởng và mong muốn được tư vấn làm vỏ thuyền bằng nhựa Composite.
Nghĩ là làm, năm 2008, ông Hoàn thuê 2 công nhân kỹ thuật về trực tiếp tại nhà để làm vỏ thuyền cho mình. Từ đó đến nay đã 15 năm trôi qua, chiếc thuyền vẫn hoạt động tốt, mặc dù phải thay 3 lần khung, ván bằng gỗ nhưng vỏ thuyền bằng nhựa Composite vẫn không hề hấn gì, giảm chi phí đáng kể cho gia đình.
Sau khi theo dõi một thời gian, ông Hoàn đã tiếp cận được cách chế tạo vỏ thuyền băng nhựa Composite và chuyển sang làm nghề đóng và sửa chữa thuyền cho người dân trong vùng.
Công đoạn làm vỏ thuyền cũng hết sức cầu kỳ, ban đầu phải tạo một cái khuôn đúc sẵn theo hình thù của con thuyền và kích thước theo ý muốn, rồi bọc 1 lớp ni lon chống dính phủ kín toàn bộ khuôn.
Tiếp theo trải một lớp vải amiang rồi dùng nhựa composite quét đều lên, sau đó trải 1 lớp lưới amiang rồi lại quét nhựa lên và cứ lặp đi lặp lại như thế. Khi dùng đến 4 lớp vải và 4 lớp lưới amiang là vỏ thuyền đạt độ dày 6 – 7 ly. Sau 2 ngày thì vỏ thuyền khô cứng, được đưa ra để đóng khung sườn.
Năm 2016, cơ sở đóng thuyền của ông Hoàn đã đăng ký hộ kinh doanh cá thể do con trai ông là Hoàng Văn Anh làm chủ, anh em trong gia đình trực tiếp thực hiện. Buổi sáng cả nhóm đi đánh cá, buổi chiều về sửa chữa thuyền, thu nhập bình quân từ 7 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Văn Hoàn cho biết: “Sau khi làm chiếc thuyền đầu tiên và sử dụng được 2 tháng thì dân làng đến xem, thấy tốt và an toàn nên ai cũng ưng ý. Từ đó, ngư dân vùng bãi ngang ở Hà Tĩnh và khu vực Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An) tìm đến đặt hàng. Hiện xã Xuân Yên có 250 thuyền đánh cá gần bờ đều sử dụng vỏ thuyền bằng nhựa Coposite và có xuất xứ từ cơ sở đóng thuyền này”.
“Do chất liệu nhựa Composite rất bền nên ít khi phải làm vỏ thuyền mới, chỉ phần gỗ thì cần thay liên tục. Ngoài 5 thợ của nhà, cơ sở phải thuê thêm 5 thợ nữa để kịp sửa tàu cho bà con”, ông Hoàn tâm sự.
Cũng theo ông Hoàn, đóng mới một chiếc thuyền dài 7,5m, rộng 2m phải chi phí tổng cộng 33 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu thay khung ván thì chỉ mất hơn 50%, tương đương khoảng 18 triệu đồng, giảm chi phí rất lớn so với trước đây mà thời gian xử lý chỉ mất 5 – 7 ngày.
Trần Hoàn