Hà Tĩnh: Nước Mắm Sành của Chủ tịch phụ nữ xã đạt giải khuyến khích về ý tưởng khởi nghiệp
Làm công tác chuyên trách dân số tại địa phương từ năm 2005 và được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kim năm 2013, chị Phan Thị Mai (SN 1981, trú thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) luôn trăn trở với nghề sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống của người dân trong vùng.
Để có hướng đi bền vững, tạo công ăn việc làm ổn định và phát huy hiệu quả giá trị của nước mắm truyền thống, gần đây Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Kim đã xây dựng đề tài “Sản xuất chế biến nước mắm gắn cửa hàng sản phẩm OCOP và tua tuyến du lịch huyện Lộc Hà”.
Cuộc thi này có 72 ý tưởng tham gia, trong đó, Nước Mắm Sành do chị Phan Thị Mai sản xuất đã lọt vào top 1/15 ý tưởng được chọn và đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.
Nói về việc hình thành ý tưởng và xây dựng thương hiệu Nước Mắm Sành, chị Mai cho biết, xã Thạch Kim có nghề chính là đánh bắt thuỷ hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Tại đây có cảng cá Cửa Sót nên nguồn nguyên liệu cá cơm luôn dồi dào và tươi ngon. Bên cạnh đó lại có bãi biển Thạch Bằng rất đẹp, khách du lịch đông, để sử dụng và làm quà tặng thì Nước Mắm Sành sẽ là một trong những lựa chọn ưu việt.
“Hiện tại nhiều địa phương còn sử dụng loại thùng nhựa màu xanh để muối nước mắm, trong khi đó thời gian muối cá cơm đòi hỏi ít nhất là 2 năm. Với thời gian đó, dưới tác động khắc nghiệt của thời tiết, về lâu dài ít nhiều sẽ có ảnh hưởng. Mình làm công tác hội, được đi nhiều nơi, ít nhiều có am hiểu nên muốn làm một sản phẩm đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng”, chị Mai trải lòng.
Cuối năm 2020, chị Mai đầu tư mua 100 cái lu (chum sành) loại 200 lít từ Ninh Bình, 16 tấn cá cơm vùng biển bãi ngang và một số dụng cụ phục vụ muối cá với tổng chi phí gần 400 triệu đồng.
Chia sẻ về quy trình chế biến, chị Mai cho biết: “Sau khi vệ sinh lu sạch sẽ thì lót một lớp sỏi dưới đáy cùng một nùi tre để lọc độ trong rồi đặt mên tre lên và cho cá đã trộn muối vào. Phía trên lại dùng mên tre cài then rồi đè những hòn đá nặng lên, sau đó dùng vải màn bịt kín miệng lu để phòng tránh ruồi muỗi.
Khi nước trong cá chảy ra thì sáng dậy phải mở nắp lu cho ánh nắng rọi vào, đồng thời xả nước trong lu ra chậu inox để phơi đến chiều tối thì đổ vào (đây là quá trình ủ chợp và náo đảo). Thời tiết nắng nóng thì chỉ cần náo đảo trong vòng 2 tháng, còn thời tiết không thuận lợi thì quá trình này phải kéo dài thêm.
Điểm khác biệt của Nước Mắm Sành là sự cầu kì, chỉn chu trong việc lựa chọn nguyên liệu, dụng cụ muối cá và cách thức chế biến, bảo quản.
"Tôi trực tiếp chọn mua loại cá cơm tươi ngon nhất khi thuyền vừa cập bến. Muối biển thì chọn loại cũ, được sản xuất từ 2 – 3 năm trước nên độ chát, độ mặn đã giảm. Khi muối, chúng tôi chia nhỏ từng mớ cá cho vào chậu inox rồi trộn bằng tay nên đều hơn và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh tuyệt đối”, chị Mai tâm sự.
Đã hơn 2 năm nay, hàng ngày, ngoài công tác xã hội, thời gian còn lại chị Mai thường quanh quẩn bên những chiếc lu sành, chăm chút đón từng hạt nắng để giọt nước mắm được thơm ngon hơn. Có những lúc chạy mưa đến toát mồ hôi nhưng chị vẫn rất vui vì “đứa con tinh thần” của mình đang sắp sửa “chào đời”.
Chia sẻ về thu nhập, chị Mai thành thật: “Chồng tôi đang làm ăn ở nước ngoài, tôi có công việc ổn định nên việc sản xuất Nước Mắm Sành không hoàn toàn vì lợi nhuận, mà muốn có một sản phẩm sạch, vì quyền lợi của người tiêu dùng. Hiện đang trong quá trình thu hoạch, chưa tính được doanh thu cụ thể, tuy nhiên bình quân lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Nói về thương hiệu nước mắm của mình, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thạch Kim hài hước: “Nước Mắm Sành là muối bằng lu (chum) sành, đựng bằng chai sành (thuỷ tinh). Đặc biệt, người sử dụng nước mắm Sành là những người sành ăn, sành điệu”.
Trần Hoàn