Vì sao nhà nào trong một ngôi làng Ấn Độ cũng có người ốm đau?
Nguồn nước ô nhiễm được cho là nguyên nhân khiến không gia đình nào trong ngôi làng Gangnauli của Ấn Độ không có người mắc bệnh.
Ngôi làng Gangnauli nằm cách thủ đô New Delhi 75 km hiện là nơi sinh sống của khoảng 7.500 người. Theo một cựu quan chức trong làng, không nhà nào trong làng Gangnauli không có người ốm đau. Bệnh tật mà người dân mắc phải nhẹ là dị ứng, nặng hơn là dị dạng, tâm thần và ung thư.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), người dân địa phương cho biết, nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do nhiễm chất thải từ các nhà máy kế bên. Dù dân làng đã thắng kiện trong một phiên tòa, song cho tới nay họ vẫn chưa được chính quyền địa phương hỗ trợ giải quyết nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
“Tất cả chúng tôi đều là bệnh nhân. Nhà nào cũng có người bị bệnh. Con tôi lúc mới sinh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng khi dần lớn lên, xương thằng bé bắt đầu biến dạng. Chúng tôi đã đưa con đi khám với nhiều bác sĩ. Họ đã làm rất nhiều xét nghiệm, nhưng không thể đưa ra được chẩn đoán. Các xét nghiệm đều không phát hiện ra bệnh. Họ nói chúng tôi nên bổ sung vitamin D cho con. Chúng tôi đã làm theo, nhưng cũng không có kết quả. Cuối cùng bác sĩ nói với chúng tôi rằng, nguồn nước nơi chúng tôi sống đã bị ô nhiễm nên con tôi mới bị như vậy”, ông Dharamveer Singh nói về cậu con trai bị di dạng của mình.
“Ngôi làng Gangnauli của chúng tôi nằm ở quận Baghpat, nơi chỉ cách thủ đô New Delhi khoảng 40 km và làng của chúng tôi cách thủ đô 75 km. Nhưng không nhà nào trong làng không có người ốm đau. Ít nhất mỗi nhà có 1 người mang bệnh. Những người già trong làng thường bị viêm khớp và nặng tới mức không thể tự đi lại được. Những đứa trẻ thì bị dị ứng, còn trung niên thường mắc ung thư. Thậm chí, nhiều đứa trẻ được sinh ra lành lặn nhưng sau lại bị thiểu năng trí tuệ như trường hợp của cô bé Neha”, ông Dharmendra Rathi, người từng giữ chức trưởng làng Gangnauli từ năm 2010 – 2015 chia sẻ.
“Bé Neha khi mới sinh mang hình hài bình thường và cân nặng cũng đạt chuẩn. Nhưng chỉ một thời gian sau, cô bé bắt đầu ngừng phát triển. Chúng tôi đã thử chữa bệnh bằng cả thuốc tây và các phương pháp dân gian. Chúng tôi đưa con tới thủ đô để làm xét nghiệm 2 – 3 lần. Nhưng mỗi xét nghiệm lại cho ra kết quả chẩn đoán bệnh khác nhau. Một số người nói con bé bị bệnh về não, người khác lại bảo máu có vấn đề. Chúng tôi cố gắng chữa bệnh cho con 9 – 10 năm, nhưng vẫn không có kết quả. Cuộc sống của con vô cùng vất vả bởi những sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, con bé cũng không thể tự làm được. Chúng tôi không thể rời khỏi con dù chỉ vài phút”, bố của bé Neha tâm sự.
Con sông Krishna chảy qua làng Gangnauli từng được người dân sử dụng làm nước sinh hoạt tắm rửa. Nguồn nước ở đây từng rất sạch và trong xanh tới mức ném đồng xu xuống cũng có thể nhìn thấy rõ. Xung quanh con sông là những bãi trồng dưa trù phú. Nhưng từ 20 năm nay, con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng tới mức nước trên sông trở nên đen kịt. Chỉ cần người dân chạm tay xuống dòng sông để rửa, bàn tay cũng sẽ bị dính nhớp khó chịu.
Ngay cả nguồn nước uống của làng cũng bị ô nhiễm do khó bụi, chất thải từ các nhà máy cũng như nhiều yếu tố khác.
Theo ông Rathi, người dân làng đã mang mẫu nước tới các phòng xét nghiệm. Các bác sĩ đã vô cùng ngạc nhiên khi người dân dùng nguồn nước bị nhiễm độc như vậy để uống, song dường như mọi chuyện đã quá muộn.
“Khi tôi nghỉ hưu, tôi quay trở lại ngôi làng mình từng sinh sống. Khi đi ngang qua con sông Krishna và Hindon, tôi đã xuống lấy mẫu nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nguồn nước đen kịt và chứa đầy hóa chất. Mẫu nước được kiểm tra tại một phòng thí nghiệm ở New Delhi cho thấy, đây không phải là nước mà là hỗn hợp toàn hóa chất và không có bất cứ thành phần nào trong nước có thể uống được. Hàm lượng cao kim loại nặng và hóa chất được phát hiện trong các mẫu nước. Ngay cả mẫu nước lấy từ được ống dẫn cũng cho kết quả tương tự”, Tiến sĩ Chander Vir Singh, một nhà khoa học cấp cao của Ấn Độ cho hay.
Vấn đề lớn nhất mà nguồn nước ở làng Gangnauli gây ra chính là căn bệnh ung thư. Trong vòng 8 – 9 năm, ít nhất 150 người trong làng đã chết vì ung thư.
Một người phụ nữ trong đoạn video cho biết, gia đình cô đã có 4 người chết vì ung thư. Bà của cô đã qua đời chỉ sau 4 ngày có triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy. Tiếp đó là người dì bị ung thư vú. Sau 2 năm, người bác của cô được chẩn đoán ung thư vòm họng và qua đời sau 1 tháng phát hiện ra bệnh. Tới người bố của cô cũng có triệu chứng tương tự và không thể ăn uống trước 2 tháng qua đời.
Đoạn video còn ghi lại hình ảnh cụ ông Om Singh, người đã phải trải qua rất nhiều ca phẫu thuật để có thể giữ mạng sống sau khi được chẩn đoán mắc ung thư khoang miệng.
Nguyên nhân dẫn tới nguồn nước của làng Gangnauli bị ô nhiễm là do nước xả thải từ các nhà máy nằm gần kề gồm nhà máy giấy và nhà máy đường.
Trong đó, dù nhà máy đường được trang bị hệ thống xử lý chất thải, nhưng chủ cơ sở lại không hề sử dụng bởi chi phí là khá lớn. Khi bị chính phủ thanh kiểm tra, chủ cơ sở sẽ chỉ cho các quan sát viên biết việc nhà máy có trang bị hệ thống xử lý chất thải.
Đáng nói, theo ông Rathi, khi người dân yêu cầu chính phủ giải thích nguyên nhân vì sao dân làng bị bệnh, câu trả lời nhận được đây chỉ là những căn bệnh phổ biến. Nhưng khi người dân đi khám bệnh, câu hỏi đầu tiên mà các bác sĩ đặt ra đều là về nguồn nước mà dân làng uống. Kết luận về bệnh tật của người dân, các bác sĩ đều nói là vì nguồn nước có vấn đề.
Tới năm 2012, người dân đã gửi đơn kiện và yêu cầu lực lượng chức năng làm rõ nguyên nhân gây bệnh hàng loạt trong làng. Cuối cùng, chính phủ Ấn Độ đã đồng ý lắp đặt một bồn nước sạch phục vụ cuộc sống người dân, nhưng cho tới nay công trình này vẫn chưa được xây dựng.
Tranh cãi vụ xông hơi cổ họng để chữa Covid-19 ở Ấn Độ
Đoạn video gây tranh cãi trên mạng xã hội Ấn Độ cho thấy, nhiều người xếp hàng chờ tới lượt để xông hơi cổ họng với hy vọng điều trị và ngăn nguy cơ mắc Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)