Vì sao các công ty Việt "ngó lơ" test nhanh Covid-19, chỉ sản xuất test PCR?
Kit test nhanh từng rất được rất chuộng nhưng mới đây có tỉnh lại đề nghị ngừng thực hiện vì có hiện tượng âm tính giả, dương tính giả. Trong khi các DN Việt chỉ tập trung sản xuất kit test PCR, tại sao?
Trong khi thành phố Hà Nội thiếu kit test nhanh để xét nghiệm Covid-19 đối với những người trở về từ vùng có dịch thì tỉnh Quảng Nam lại đề nghị các đơn vị trên địa bàn tỉnh không thực hiện test nhanh kết quả Covid-19 trong cộng đồng.
Nhân viên y tế lấy máu test nhanh Covid-19 tại Hà Nội đối với những về từ Đà Nẵng. |
Lý do của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói không với kit test nhanh là căn cứ kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn là do kết quả xét nghiệm có trường hợp âm tính giả, dương tính giả.
Trao đổi với PV Infonet, một doanh nghiệp sản xuất kit xét nghiệm nói, bản chất của test nhanh là độ đặc hiệu, độ nhạy kém hơn nên dẫn đến có tỉ lệ dương tính giả hoặc âm tính giả.
Với dịch Covid-19, nếu như dương tính giả còn có thể chấp nhận được vì dù sao người dân cũng được test real-time khẳng định lại. Nhưng với âm tính giả sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng.
“Test nhanh chỉ phù hợp trong bối cảnh dịch đã lan rộng. Khi đó test nhanh phát hiện được ca nào tốt ca đó, không phát hiện được cũng không còn quá nguy hiểm khi dịch đã lan trong cộng đồng nhiều rồi”, vị này cho hay.
Trong khi đó, thực tế của chúng ta hiện nay vẫn đang kiểm soát được dịch. Nếu dùng test nhanh trong giai đoạn này không đảm bảo được tính chính xác, không tìm được đúng người mắc Covid-19, cho kết quả âm tính giả thì lại là nguy cơ lây lan dịch, đó là lý do tỉnh thành dừng việc test nhanh.
Là doanh nghiệp cùng các nhà khoa học nghiên cứu lâm sàng, sản xuất hai bộ kit test Covid-19 là One-step RT-PCR Covid-19 kit Thái Dương và RT-LAMP Covid-19 Kit, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc CTCP Sao Thái Dương cũng khẳng định chỉ khi xét nghiệm dịch ở hầu họng mới cho kết quả chính xác, còn xét nghiệm máu (xét nghiệm nhanh) sẽ không thể cho kết quả chính xác.
Đó là lý do công ty không có kế hoạch sản xuất kit xét nghiệm nhanh.
Bà Hương Liên cho hay năng lực sản xuất kit test PCR của công ty có thể đáp ứng tới 1 triệu test/ngày. Tuy nhiên, giá trị mặt hàng quá lớn nên công ty sản xuất cầm chừng để không bị tồn kho.
“Nếu như có đặt hàng của nhà nước hay của các mạnh thường quân thì chúng tôi mới dám đặt nguyên liệu số lượng lớn, vì giá thành sản xuất cho 1 triệu test lên đến 400 tỷ đồng.
Chính vì giá đắt như vậy nên cũng có lý do để khó xét nghiệm PCR đại trà cho nhiều người. Có thể kit xét nghiệm nhanh rẻ, nhưng lại không hiệu quả trong việc phòng dịch,” bà Hương Liên chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng giám đốc CTCP Sao Thái Dương: Nếu như có đặt hàng của nhà nước hay của các mạnh thường quân thì chúng tôi mới dám đặt nguyên liệu số lượng lớn, vì giá thành sản xuất cho 1 triệu test lên đến 400 tỷ đồng. |
Theo lời bà Phó Tổng Giám đốc Công ty Sao Thái Dương, để sản xuất hai bộ kit test Covid-19, nguyên vật liệu phải được đặt hàng trước từ nước ngoài trong 4-6 tuần tùy loại.
Trong khi đó, chia sẻ với PV Infonet, ông Phan Quốc Việt – Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ Việt Á, đơn vị sản xuất bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 - Công ty đã chuẩn bị sẵn lượng kit test đáp ứng đủ nhu cầu phòng chống dịch.
Hiện công ty còn hàng triệu test sẵn sàng cung cấp cho nhu cầu của thị trường. Đây là những test mới được công ty sản xuất và lượng test còn lại từ đợt dịch thứ nhất (tháng 3/2020).
Nguyễn Tuân